Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 43

1171. SÁU SINH VẬT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-diệm-di.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ví như có người đi vào trong một căn nhà trống và bắt được sáu con vật. Đầu tiên người này bắt được con chó, liền đem nó buộc vào một nơi. Kế đến bắt được con chim, rồi lần lượt bắt được rắn độc, dã can, cá sấu[2] và con khỉ. Mỗi con vật này đều bị buộc ở một nơi. Trong sáu con vật này, chó thì muốn chạy về làng, chim thì muốn bay lên bầu trời, rắn thì muốn vào hang, dã can thì muốn đến bãi tha ma, cá sấu thì muốn vào biển, còn con khỉ thì muốn về rừng. Sáu sinh vật này bị buộc chung một nơi nhưng sở thích không giống nhau. Mỗi loài đều muốn tìm về chỗ an ổn của riêng mình, không con nào thích bị trói ở chỗ khác. Do bị trói nên đã gắng sức vùng vẫy để tìm về nơi mình ưa thích, nhưng chúng vẫn không có cách gì thoát ra được.

Cũng vậy, sáu căn đều có cảnh giới riêng, mỗi căn đều muốn tìm cầu cảnh giới ưa thích của mình, chứ không ưa cảnh giới khác: Như mắt luôn tìm đến sắc đẹp, nếu sắc không đẹp thì sẽ nhàm chán. Tai luôn tìm cầu âm thanh đáng yêu, nếu âm thanh không đáng yêu thì sẽ nhàm chán. Mũi thường tìm cầu mùi thơm đáng yêu, nếu mùi không đáng yêu thì sẽ nhàm chán. Lưỡi thường tìm cầu vị ngon, nếu vị không ngon thì sẽ nhàm chán. Thân luôn tìm cầu xúc chạm dễ chịu, nếu không dễ chịu thì sẽ nhàm chán. Ý thường tìm đến các pháp đáng yêu, nếu pháp không đáng yêu thì sẽ nhàm chán. Sáu căn này có nhiều hành xứ, cảnh giới riêng biệt, căn này không tìm đến cảnh giới của căn khác. Sáu căn này có đủ năng lực tự do cảm nhận cảnh giới của mình. Giống như người kia, buộc chặt sáu sinh vật vào cây cột bền chắc, giả sử chúng có dùng sức để chạy thoát theo ý mình thì cũng bị níu lại, chỉ chuốc thêm mệt nhọc, vì đã bị buộc chặt, mãi dính nơi cây cột.

Này các Tỳ-kheo! Như Lai nói ví dụ đó là muốn để các thầy hiểu rõ nghĩa này: Sáu sinh vật là dụ cho sáu căn, cây cột là dụ cho thân niệm xứ. Nếu khéo tu tập thân niệm xứ và khi có niệm rồi, không còn nhớ nghĩ đến sắc, thấy sắc đáng yêu không khởi tâm đắm trước, với sắc không đáng yêu cũng không nhàm chán. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp pháp, dù đáng yêu cũng không tìm cầu, hoặc không đáng yêu cũng không sanh tâm nhàm chán. Do đó, này các Tỳ-kheo! Phải siêng năng tu tập và tu tập thuần thục về thân niệm xứ.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1171. 0313a14). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.38.3. 0723c06); S. 35.247 - III. 198; S. 48.7 - III. 195.

[2] Nguyên tác: Thất-thâu-ma-la (失收摩羅, suṃsumāra): Con cá sấu.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.