Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 43
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-diệm-di.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như người bị bệnh hủi, tay chân lở loét, nếu đụng vào cỏ tranh sẽ bị những lá nhọn đâm chích gây thương tích thì càng thêm đau đớn. Cũng thế, phàm phu mê muội chịu những thống khổ với sáu xúc nhập xứ cũng lại như vậy. Như người hủi kia bị lá cỏ tranh đâm chích tổn thương, máu mủ chảy ra. Cũng thế, phàm phu mê muội, tánh tình thô bạo xấu xa, khi sáu xúc nhập xứ tiếp xúc thì nổi sân hận, thốt ra lời ác, như người hủi kia. Vì sao như thế? Vì hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết nên tâm như phong hủi.
Nay Như Lai sẽ nói về có luật nghi và không luật nghi. Thế nào là có luật nghi và thế nào là không luật nghi?
Với hàng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết, khi mắt thấy sắc rồi, với sắc đáng nhớ thì khởi tham đắm, với sắc không đáng nhớ thì khởi sân hận. Từ đây lần lượt sanh khởi những tư duy phân biệt[2] tương tục, không thấy lỗi lầm, hoặc có thấy lỗi lầm cũng không từ bỏ được. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Này các Tỳ-kheo! Đây gọi là không luật nghi.
Thế nào gọi là luật nghi? Vị Thánh đệ tử đa văn khi mắt thấy sắc, với sắc đáng nhớ, vị ấy không khởi tham dục, với sắc không đáng nhớ cũng không khởi sân hận, không lần lượt khởi những tư duy phân biệt tương tục, thấy được tai họa của sắc, thấy tai họa của sắc rồi thì có thể xả ly. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Đây gọi là luật nghi.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.