Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 43
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-diệm-di.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào khi mắt nhận biết sắc18 làm nhân duyên sanh ra hoặc dục, hoặc tham, hoặc dính mắc, hoặc nhớ nghĩ, rồi quyết định đắm trước vào đó thì phải khéo tự phòng hộ đối với những tâm này. Vì sao như thế? Vì những tâm này đều dẫn đến con đường sợ hãi, có chướng ngại, có hoạn nạn, đây là chỗ nương tựa của người ác, chẳng phải chỗ nương tựa của người thiện. Do đó hãy nên tự mình phòng hộ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế.
Ví như người nông phu có đám lúa tốt, nếu người giữ ruộng lười biếng, buông lung thì trâu sẽ vào ăn hết lúa mạ. Phàm phu mê muội cũng như vậy. Sáu xúc nhập xứ... (cho đến) buông lung cũng lại như thế.
Nếu ruộng lúa tốt, người giữ ruộng không buông lung, lơ đễnh thì trâu không vào phá được, giả sử nó có vào thì cũng bị đuổi ra. Nghĩa là tâm, ý và thức của vị Thánh đệ tử đa văn phải khéo tự nhiếp hộ đối với năm dục, dốc hết lòng để được tịch lặng.
Đối với ruộng lúa tốt, người giữ ruộng không buông lung, khi vừa thấy trâu đi vào ruộng lúa, liền dùng tay trái kéo dây mũi, tay phải cầm roi đánh vào thân trâu, đuổi ra khỏi ruộng. Này các Tỳ-kheo! Các thầy nghĩ sao? Khi con trâu kia đã bị đánh đau thì trên đường từ làng về nhà, từ nhà ra làng, nó có còn dám ăn lúa mạ như trước nữa không?
Các Tỳ-kheo đáp:
Không dám, bạch Thế Tôn! Vì sao như thế? Vì nó luôn nhớ trận đòn đau trên ruộng lần trước.
Đức Phật dạy:
Cũng vậy, Tỳ-kheo! Nếu tâm, ý hay thức của vị Thánh đệ tử đa văn biết khởi nhàm chán và lo sợ đối với sáu xúc nhập xứ thì nội tâm được an trụ, được chế ngự, đưa đến nhất tâm.
Này các Tỳ-kheo! Thời quá khứ, có ông vua nghe được tiếng đàn tuyệt hay mà trước giờ chưa từng nghe, cho nên khởi tâm vô cùng thích thú, mê đắm, liền hỏi các vị đại thần rằng: “Đó là âm thanh gì mà đáng mê thích đến vậy?” Đại thần tâu rằng: “Đó là tiếng đàn.” Vua bảo đại thần: “Hãy đem âm thanh ấy đến đây.” Đại thần vâng lời, liền đem cây đàn đến tâu: “Tâu Đại vương! Chính cây đàn này phát ra âm thanh rất hay ấy.” Vua bảo: “Ta không cần cây đàn, hãy đem âm thanh hấp dẫn mà ta vừa nghe được đến đây thôi.” Đại thần tâu: “Đại vương! Cây đàn này phải hội đủ nhiều thứ khác nữa, nghĩa là phải có thêm bộ chỉnh dây, lược đàn, cần đàn, dây đàn, thùng đàn, phím đàn và người đàn giỏi. Hội đủ những nhân duyên ấy mới có thể phát ra âm thanh, nếu không hội đủ các thứ ấy thì không thể có âm thanh. Tiếng đàn mà Bệ hạ nghe trước đây đã trôi qua lâu rồi, đã biến chuyển, đã không còn, không thể đem đến đây được.”
Bấy giờ, nhà vua suy nghĩ rồi nói rằng: “Ôi! Cần gì vật hư dối ấy! Cây đàn ở thế gian là vật hư dối mà lại khiến cho bao người say mê đắm trước như thế. Bây giờ, các khanh hãy chẻ nó ra từng mảnh rồi ném khắp nơi.” Các đại thần vâng lệnh, liền chẻ chiếc đàn ra trăm mảnh rồi đem quăng nó khắp nơi.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Các thầy nên biết rõ những pháp như sắc, thọ, tưởng, tư, dục là vô thường, hữu vi, do tâm làm nhân duyên sanh mà lại cho rằng đó là ngã, là ngã sở. Ở thời điểm khác, những thứ đó thảy đều là không. Này các Tỳ-kheo! Hãy khởi chánh trí đúng đắn như thế mà quán sát như thật.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1169. 0312b16). Tham chiếu: S. 35.246 - IV. 195. 18 Các bản Tống (宋), Nguyên (元), Minh (明) và Thánh (聖) ghi: Nhãn thức sắc (眼識色).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.