Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 43
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-diệm-di.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo.
Ví như bó lúa đặt ở ngã tư đường, có sáu người đàn ông khỏe mạnh cầm chày cùng giã đập, một lát thì nó nát vụn, rồi người thứ bảy cầm chày giã tiếp. Này các Tỳ-kheo! Ý các thầy thế nào? Bó lúa đó bị sáu người đập rồi người thứ bảy giã nữa thì nó sẽ nát vụn phải không?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Đúng vậy.
Đức Phật dạy:
Này các Tỳ-kheo! Cũng thế, người ngu si thường bị sáu xúc nhập xứ đuổi đánh. Những gì là sáu? Đó là nhãn xúc nhập xứ thường đuổi đánh; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ cũng thường đuổi đánh. Người ngu si kia, tuy bị sáu xúc nhập xứ đuổi đánh vẫn còn ý niệm mong cầu tái sanh ở đời vị lai thì cũng giống như bó lúa nát vụn bị người thứ bảy đập giã tiếp vậy.
Này các Tỳ-kheo! Nếu nói là ngã, đó là dao động; nói là ngã sở, đó là dao động; vị lai sẽ hiện hữu, đó là dao động; vị lai sẽ không hiện hữu, đó là dao động; sẽ có sắc, đó là dao động; sẽ không có sắc, đó là dao động; sẽ có tưởng, đó là dao động; sẽ không có tưởng, đó là dao động; sẽ chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, đó là dao động. Vì dao động nên bệnh, vì dao động nên ung nhọt, vì dao động nên đau nhức, vì dao động nên dính mắc. Nếu chân chánh quán sát vì dao động nên có khổ thì sẽ được tâm không dao động, lại an trụ tu tập thuần thục và chánh niệm tỉnh giác.
Giống như sự dao động, sự suy nghĩ hư vọng cũng như vậy, có hành là do có ái. Nếu nói có ngã, đó là do ái; nói có ngã sở, đó là do ái; nói có tương lai, đó là do ái; nói không có tương lai, đó là do ái; cho rằng có sắc, đó là do ái; cho rằng không có sắc, đó là do ái; cho rằng có tưởng, đó là do ái; cho rằng không có tưởng, đó là do ái; cho rằng chẳng phải có tưởng cũng chẳng phải không có tưởng, đó là do ái. Vì ái nên bị bệnh, vì ái nên bị ung nhọt, vì ái nên bị đau nhức. Khéo tư duy quán sát do ái nên sanh ra khổ đau như thế sẽ xa lìa tâm ái, được chánh niệm tỉnh giác.
Này các Tỳ-kheo! Ở thời quá khứ, a-tu-la đem quân gây chiến với Đếthích. Khi ấy, vua trời Đế-thích bảo chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba rằng: “Hôm nay, chúng ta chiến đấu với a-tu-la, nếu chư thiên thắng, a-tu-la thua thì hãy bắt sống vua a-tu-la, lấy dây trói chặt cả năm phần thân thể[2] rồi đem về thiên cung.”
Vua a-tu-la cũng nói với quân mình: “Hôm nay, chúng ta đem quân đánh với chư thiên, nếu a-tu-la thắng, chư thiên thua thì hãy bắt sống vua trời Đếthích, lấy dây trói chặt cả năm thân phần rồi đem về cung a-tu-la.”
Thế là, hai bên đánh nhau, cuối cùng chư thiên thắng, a-tu-la thua. Bấy giờ, chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba bắt sống được vua a-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la, lấy dây trói chặt cả năm thân phần rồi áp giải về thiên cung.
Bấy giờ, vua a-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la thân bị trói chặt năm thân phần rồi bị đưa vào điện Chánh Pháp và cho thụ hưởng năm dục lạc của chư thiên. Khi ấy, vua a-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la nghĩ rằng: “Chỉ có a-tu-la là hiền thiện và thông tuệ, còn chư thiên thì chỉ có hiền thiện mà thôi. Nay ta muốn được trở về cung a-tu-la.” Khi đang nghĩ thế, vua a-tu-la cảm thấy thân mình càng bị trói chặt cả năm thân phần và năm dục của chư thiên tự nhiên biến mất.
Thế là, vua a-tu-la lại nghĩ: “Chư thiên hiền thiện và trí tuệ thông đạt, còn a-tu-la chỉ có hiền thiện, nay ta sẽ ở lại cung trời này.” Khi đang nghĩ như thế thì vua cảm thấy thân mình được cởi trói cả năm thân phần và năm dục của chư thiên tự nhiên xuất hiện trở lại.
Vua a-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la tuy bị trói kỹ lưỡng như thế nhưng Ma Batuần trói càng chặt hơn. Khi tâm ta dao động thì ma liền theo đó mà trói chặt, tâm ta không dao động thì ma liền theo đó mà tháo gỡ.
Do đó, này các Tỳ-kheo! Các thầy hãy thường trụ tâm không dao động, chánh niệm tỉnh giác, cần phải học tập như thế!
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1168. 0311c27). Tham chiếu: S. 35.248 - IV. 201.
[2] Nguyên tác: Phược dĩ ngũ hệ (縛以五繫): Trói 5 chỗ, gồm cổ, 2 tay và 2 chân. S. 35.248 - IV. 201: Kaṇṭhapañcamehi bandhanehi baddho hoti (trói 2 tay, 2 chân và thứ năm là cổ), HT. Thích Minh Châu dịch.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.