Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 43
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Tân-đầu-lô[2] ngụ tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câudiệm-di.[3]
Bấy giờ, có vua nước Bà-tha tên Ưu-đà-diên-na8 đến chỗ Tôn giả Tân-đầulô, thăm hỏi nhau xong, vua ngồi sang một bên rồi thưa với Tôn giả:
Tôi có điều muốn hỏi, không biết Tôn giả có thời gian để giải đáp cho chăng?
Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:
Đại vương cứ hỏi, nếu biết thì tôi sẽ trả lời.
Vua Ưu-đà-diên-na nước Bà-tha hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:
Do nhân gì, duyên gì mà các Tỳ-kheo trẻ tuổi xuất gia chưa lâu trong giáo pháp, được sống rất an ổn, các căn tươi vui, dung mạo thanh tịnh, da dẻ tươi sáng, ưa thích tĩnh lặng, sống đời thong dong, tâm tính chất phác, có thể trọn đời tu trì Phạm hạnh, thuần nhất thanh tịnh?
Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:
Theo như lời Phật, đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết vì các Tỳ-kheo mà dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo! Nếu gặp người nữ lớn tuổi thì hãy nghĩ như mẹ mình, gặp người ngang hàng thì hãy nghĩ như chị em mình và gặp người nhỏ hơn thì hãy nghĩ như con gái mình. Do nhân duyên này nên Tỳ-kheo trẻ tuổi xuất gia chưa lâu trong giáo pháp của Phật, được sống rất an ổn, các căn tươi vui, dung mạo thanh tịnh, da dẻ tươi sáng, ưa tĩnh ít động, thong dong sinh sống, tâm tính chất phác, có thể trọn đời tu trì
Phạm hạnh, thuần nhất thanh tịnh.”
Vua Ưu-đà-diên-na nước Bà-tha lại hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:
Ngày nay người thế gian tâm đầy tham cầu. Dù gặp người lớn hơn nghĩ như mẹ, gặp người ngang hàng nghĩ như chị em, gặp người nhỏ hơn nghĩ như con gái, nhưng ngay lúc ấy tâm cũng duyên theo, khởi lên ngọn lửa tham dục, sân hận và si mê thì cần phải có nhân duyên thù thắng nào để vượt qua?
Tôn giả Tân-đầu-lô nói với Vua Ưu-đà-diên-na nước Bà-tha:
Còn có nhân duyên này, như lời Thế Tôn, đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết, Ngài đã dạy các Tỳ-kheo rằng: “Thân này từ chân đến đỉnh đầu chỉ là một bộ xương được bồi đắp bởi thịt, rồi được bao bọc bằng lớp da mỏng, trong đó chứa đầy những thứ bất tịnh; quán sát toàn thân chỉ là các thứ như: Tóc, lông, móng, răng, chất bẩn, nước dãi, da, thịt, xương trắng, gân, mạch, tim, gan, phổi, lá lách, thận, ruột, dạ dày, ruột non, ruột già, bàng quang, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước bọt, mỡ, mỡ chài, tủy, đàm lỏng, đàm đặc, mủ, máu, não, dịch, phân, nước tiểu.”[4] Này Đại vương! Do nhân duyên này mà Tỳ-kheo trẻ tuổi xuất gia chưa lâu trong giáo pháp, được sống an ổn, (cho đến) thuần nhất thanh tịnh.
Vua Ưu-đà-diên-na nước Bà-tha lại hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:
Tâm người hay rong ruổi, đôi khi quán bất tịnh lại duyên theo tưởng về tịnh. Vậy còn có nhân duyên nào nữa khiến cho Tỳ-kheo trẻ tuổi xuất gia chưa lâu trong giáo pháp này, được sống an ổn, (cho đến) thuần nhất thanh tịnh chăng?
Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:
Này Đại vương! Còn có nhân duyên này, như lời Thế Tôn, đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết, Ngài đã dạy cho các Tỳkheo rằng: “Các thầy phải nên hộ trì sáu căn,[5] khéo nhiếp tâm mình. Khi mắt thấy sắc, chớ nắm giữ tướng của sắc, chớ nắm giữ tướng riêng tốt đẹp[6] mà tăng thêm đắm trước. Nếu không thúc liễm nhãn căn thì những pháp ác, bất thiện, tham ái nơi thế gian sẽ nhiễm vào tâm mình. Do đó các thầy phải giữ gìn và phòng hộ nhãn căn. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm và ý biết pháp cũng lại như thế, (cho đến) giữ gìn và phòng hộ ý căn.”
Bấy giờ, Vua Ưu-đà-diên-na nước Bà-tha nói với Tôn giả Tân-đầu-lô:
Lành thay! Tôn giả thật khéo nói pháp... (cho đến) giữ gìn và phòng hộ ở các căn. Thưa Tôn giả Tân-đầu-lô! Trẫm cũng như thế, đôi khi không hộ trì thân, không giữ gìn và phòng hộ ở các căn, không chuyên tâm nhất niệm, khi vào cung thì tâm trẫm sanh khởi ngọn lửa tham dục, ngọn lửa ngu si; hay dẫu ở một mình trong phòng yên tịnh cũng vẫn bị ba độc kia thiêu đốt tâm mình, huống gì là vào trong cung! Còn khi trẫm khéo hộ trì thân mình, khéo thu nhiếp các căn, chuyên tâm nhất niệm thì khi vào cung sẽ không bị tham dục, sân hận và si mê dấy khởi thiêu đốt tâm mình. Khi vào trong cung vẫn không bị ba độc thiêu đốt thân tâm, huống gì một mình ở nơi yên tịnh! Vậy nên mới biết, có nhân này, duyên này, khiến cho Tỳ-kheo trẻ tuổi xuất gia chưa lâu trong giáo pháp này, được sống an ổn, thuần nhất thanh tịnh.
Bấy giờ, Vua Ưu-đà-diên-na nước Bà-tha nghe Tôn giả Tân-đầu-lô nói xong, hoan hỷ và tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi hồi cung.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1165. 0311a03). Tham chiếu: S. 35.127 - IV. 110.
[2] Tân-đầu-lô (賓頭盧, Piṇḍola).
[3] Nguyên tác: Câu-diệm-di quốc Cù-sư-la viên (拘睒彌國瞿師羅園, Kosambī Ghositārāma). 8 Ưu-đà-diên-na (優陀延那, Udena).
[4] Nguyên tác: Phát, mao, trảo, xỉ, trần cấu, lưu tiên, bì, nhục, bạch cốt, cân, mạch, tâm, can, phế, tỳ, thận, tràng, đỗ, sanh tạng, thục tạng, bào, lệ, hãn, thế, mạt, phương, chi, tủy, đàm, âm, nùng, huyết, não, chấp, thỉ, nịch (髮, 毛, 爪, 齒, 塵垢, 流唌, 皮, 肉, 白骨, 筋, 脈, 心, 肝, 肺, 脾, 腎, 腸, 肚, 生藏, 熟藏, 胞, 淚, 汗, 涕, 沫, 肪, 脂, 髓, 痰, 癊, 膿, 血, 腦, 汁, 屎, 溺).
[5] Nguyên tác: Căn môn (根門). Sáu căn như là cánh cửa, nơi đó xuất ra nhiều phiền não, nhập vào nhiều vọng trần nên gọi là “căn môn.”
[6] Nguyên tác: Mạc thủ sắc tướng, mạc thủ tùy hình hảo (莫取色相, 莫取隨形好). S. 35.127 - IV. 110: Cakkhunā rūpaṃ disvā mā nimittaggāhino ahuvattha, mānubyañjanaggāhino (Sau khi mắt thấy sắc, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng), HT. Thích Minh Châu dịch.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.