Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 43
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ví như có một dòng sông tro, hai bên bờ sông rất nóng và có nhiều gai nhọn, lại ở nơi rất u tối. Có nhiều tội nhân bị cuốn trôi trong dòng sông ấy. Trong đó, có một người không ngu si, thông minh trí tuệ, ưa vui chán khổ, ham sống sợ chết, khởi nghĩ rằng: “Nay ta sao lại trôi dạt trong dòng sông tro này, hai bên bờ nóng bức, lại nhiều gai nhọn và tối tăm như vầy? Bây giờ, ta sẽ dùng chân tay làm phương tiện để bơi ngược dòng đi lên.” Dần dần thấy được chút ánh sáng, người ấy lại nghĩ: “Nay đã chợt thấy chút ánh sáng kia rồi”, nên lại vận dụng chân tay, tinh tấn nỗ lực bơi lên thì thấy được đất bằng, liền leo lên đứng trên mặt đất và quan sát xung quanh, rồi anh ta lại thấy một ngọn núi đá lớn vững chắc, không hang ổ, không nứt bể, liền leo lên ngọn núi đó. Đứng trên núi, anh ta lại thấy một nguồn nước trong xanh, mát mẻ chia làm tám vị là mát lạnh, ngon ngọt, nhẹ nhàng, êm dịu, thơm tho, trong sạch, khi uống không nghẹn, không trở ngại nơi cổ họng. Người ấy liền xuống dòng sông để uống nước hoặc tắm gội và không còn nóng bức.
Sau đó, người ấy leo lên một ngọn núi lớn và được nhìn thấy bảy loài hoa đẹp, đó là hoa Ưu-bát-la, hoa Bát-đàm-ma, hoa Câu-mâu-đầu, hoa Phân-đàlợi, hoa Tu-kiên-đề, hoa Di-ly-đầu-kiên-đề, hoa A-đề-mục-đa, hương thơm ngào ngạt. Rồi người ấy lại leo lên núi đá thấy một tòa nhà có bốn bậc cấp liền ngồi lên đó; lại thấy giữa năm cột trụ có một chiếc màn trướng, anh ta liền vào trong đó, giữ thân ngồi ngay thẳng, nơi đây có đủ các thứ gối, mền, hoa rải cùng khắp, trang nghiêm đẹp đẽ, tự do nằm, ngồi, gió mát bốn bề, thân thể an ổn.
Ngồi trên cao, người ấy nhìn xuống và cất tiếng gọi lớn:
“Hỡi các chúng sanh, các Hiền giả trong sông tro! Con sông tro này hai bên bờ nóng bức, có nhiều gai góc, tối tăm, hãy tìm đường thoát khỏi chốn ấy.” Bên trong sông tro có người nghe được, liền nương theo tiếng hỏi lại:
“Ra theo hướng nào? Ra theo lối nào?” Trong đó lại có người nói:
“Anh đâu cần hỏi ra theo lối nào? Bởi chính người đang nói kia tự mình còn không biết rõ, không thấy được lối nào thoát ra. Anh ta cũng sẽ ở lại sông tro này, hai bên bờ nóng bức, có nhiều gai góc, ở chốn tối tăm này mà trôi theo dòng đi xuống thì hỏi làm gì!”
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Nay Ta sẽ giải thích ý nghĩa của ví dụ này. Tro là chỉ cho ba niệm ác, bất thiện. Những gì là ba? Đó là niệm dục, niệm sân và niệm hại. Sông là chỉ cho ba ái: Dục ái, sắc ái và vô sắc ái. Hai bên bờ nóng bức là chỉ cho sáu nhập xứ bên trong và bên ngoài. Nhiều gai nhọn là chỉ cho năm dục. Chỗ tối tăm là chỉ cho vô minh che đậy tuệ nhãn. Chúng tội nhân là chỉ cho phàm phu mê muội. Dòng là chỉ sanh tử. Trong đó có người không ngu, không si là chỉ cho Đại Bồ-tát. Dùng tay chân làm phương tiện bơi ngược dòng là chỉ cho tinh cần tu học. Lóe thấy một chút ánh sáng nghĩa là được pháp nhãn. Gặp được đất bằng là chỉ cho trì giới. Quan sát bốn phương là chỉ cho thấy được bốn chân đế. Núi đá lớn là chỉ cho chánh kiến. Nước có tám vị là chỉ cho tám chi Thánh đạo. Bảy loài hoa là chỉ cho bảy giác phần. Nhà bốn bậc cấp là chỉ cho bốn như ý túc. Năm trụ có màn che là chỉ cho năm căn: Tín, tấn, niệm, định, tuệ. Thân ngồi ngay thẳng là chỉ cho Vô dư Niết-bàn. Hoa rải cùng khắp là chỉ cho các thiền định, giải thoát, tam-muội chánh thọ. Tự do ngồi, nằm là chỉ cho đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác. Gió thổi bốn bề là chỉ cho sự an trú trong pháp hiện tại với bốn thiền. Cất tiếng kêu gọi là chỉ cho chuyển pháp luân. Dưới sông có người hỏi: “Các vị Hiền giả ra theo hướng nào? Ra theo lối nào?” là chỉ cho Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và các Hiền thánh Tỳ-kheo. Ở trong đó có người nói: “Anh đâu cần hỏi ra theo lối nào? Bởi chính người đang nói kia tự mình còn không biết rõ, không thấy được lối nào thoát ra. Anh ta cũng sẽ ở lại sông tro này, hai bên bờ nóng bức, có nhiều gai góc, ở chốn tối tăm này mà trôi theo dòng đi xuống” là chỉ cho sáu vị tổ sư ngoại đạo tà kiến, đó là Phú-lan-na Ca-diếp, Mạt-ca-lợi Cù-xá-lê tử, Tán-xà-da Tỳ-la-chi tử, A-kỳ-đa Chỉ-xá-khâm-bà-la, Ca-câu-la Ca-đàn-diên, Ni-kiền-liên-đà-xà-đề Phất-đa-la và những người tà kiến khác.
Như thế, này các Tỳ-kheo! Đại sư vì các đệ tử làm những việc cần làm, nay Như Lai đã làm xong. Nay các thầy phải làm những việc cần làm, giống như Như Lai đã nói trong Kinh ví dụ giỏ rắn độc.[2]
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.[3]
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.