Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 43
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật du hành trong dân chúng họ Thích, ngụ tại vườn Ni-câuluật-đà, thuộc nước Ca-tỳ-la-vệ.
Bấy giờ, những người họ Thích trong thành Ca-tỳ-la-vệ vừa mới xây xong một ngôi giảng đường, chưa có vị Sa-môn, Bà-la-môn, thiếu niên dòng họ Thích-ca hay người dân nào đến ở đó, khi nghe Thế Tôn du hành trong dân chúng họ Thích, ở thành Ca-tỳ-la-vệ, ngụ trong vườn Ni-câu-luật-đà và đang giảng về ý nghĩa khổ vui, họ bàn với nhau:
Giảng đường này vừa mới khánh thành, chưa có ai ở, chúng ta nên thỉnh Thế Tôn và đại chúng về đây để cúng dường sẽ được phước đức vô lượng, an ổn lâu dài, rồi sau đó chúng ta mới tùy nghi sử dụng.
Sau khi thảo luận xong, họ cùng nhau ra khỏi thành, đi đến chỗ Thế Tôn, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn vì những người họ Thích mà diễn nói pháp trọng yếu. Sau khi mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ[2] xong, Ngài ngồi yên lặng. Khi ấy, những người họ Thích đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, gối phải quỳ sát đất và chắp tay thưa:
Kính bạch Thế Tôn! Chúng con là những người dòng họ Thích, vừa mới xây một giảng đường, chưa có ai ở. Hôm nay, chúng con thỉnh Thế Tôn và đại chúng đến giảng đường mới, để chúng con được cúng dường. Kính mong Thế Tôn thọ nhận cho chúng con được công đức, phước lợi lâu dài an ổn, sau đó chúng con sẽ tùy nghi sử dụng.
Lúc ấy, Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi biết Thế Tôn đã nhận lời, những người họ Thích liền cúi đầu lễ chân Phật rồi trở về. Cũng trong ngày đó, họ dùng xe chở đồ đạc đến trang hoàng giảng đường mới, trải sàng tọa và cỏ mịn trên đất, thắp đèn dầu thơm đầy đủ. Khi mọi việc đã sửa soạn xong, họ đến chỗ Phật, cúi đầu bạch rằng:
Kính bạch Thế Tôn! Mọi việc đã chuẩn bị xong rồi, mong Ngài biết cho.
Bấy giờ, Thế Tôn và đại chúng tuần tự đi đến giảng đường mới, đứng bên ngoài rửa chân xong rồi bước vào. Thế Tôn an tọa ở vị trí trung tâm, mặt hướng về phía Đông. Kế tiếp, các Tỳ-kheo cũng rửa chân xong, lần lượt vào giảng đường, ngồi quay mặt hướng về phía đức Phật. Bấy giờ, những người họ Thích cũng ngồi xuống sau các Tỳ-kheo để nghe Phật thuyết pháp.
Bấy giờ, Thế Tôn vì những người dòng họ Thích mà giảng rộng pháp trọng yếu, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ xong, sau đó Thế Tôn bảo những người dòng họ Thích:
Này những người họ Thích![3] Đầu đêm đã qua, bây giờ các vị có thể trở về Ca-tỳ-la-vệ.
Khi ấy, những người dòng họ Thích nghe Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi ra về.
Bấy giờ, Thế Tôn biết những người họ Thích đã đi rồi, liền bảo Đại Mụckiền-liên:
Thầy hãy thuyết pháp cho các Tỳ-kheo nghe! Như Lai đau lưng, muốn nghỉ một lát.
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên im lặng vâng lời. Bấy giờ, Thế Tôn xếp y Uấtđa-la thành bốn lớp trải ra lót nằm và cuốn y Tăng-già-lê làm gối, nằm nghiêng hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, buộc niệm vào tưởng ánh sáng[4] và nghĩ đến lúc thức dậy.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với các Tỳ-kheo:
Pháp mà Phật đã giảng phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, nghĩa lý tốt đẹp, câu chữ chính xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch. Nay tôi sẽ nói về pháp hữu lậu và vô lậu. Các thầy hãy lắng nghe!
Thế nào là pháp hữu lậu? Hạng phàm phu mê muội thiếu hiểu biết, khi mắt thấy sắc, đối với sắc đáng nhớ thì khởi lên ưa đắm, đối với sắc không đáng nhớ thì khởi lên chán ghét, không an trụ vào thân niệm xứ, không có chút trí tuệ nào đối với tâm giải thoát và tuệ giải thoát, lại khởi các thứ pháp ác, bất thiện, không diệt trừ hoàn toàn, không vĩnh viễn đoạn sạch. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Tỳ-kheo nào như thế, Thiên ma Ba-tuần sẽ đến chỗ họ để dò xét chỗ sơ suất, đối với mắt và sắc của họ mà có chỗ sai lầm sẽ bị Ma bắt giữ. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp cũng lại như thế, nếu có chỗ sai lầm sẽ bị ma bắt giữ.
Giống như đống cỏ khô mà nổi lửa đốt cả bốn bên thì trong chốc lát sẽ cháy hết. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với mắt và sắc nếu như có chỗ sơ suất, Thiên ma Ba-tuần sẽ nắm bắt được. Tỳ-kheo như vậy là không vượt qua sắc. Đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp pháp, bị pháp chế phục, không vượt qua pháp. Do không vượt qua sắc, không vượt qua âm thanh, mùi thơm, vị ngọt, xúc chạm và pháp, cũng lại không vượt qua ý, cho nên bị các điều bất thiện, các phiền não, khổ báo thiêu đốt,... (cho đến) sanh, già, bệnh, chết ở đời tương lai. Này các Hiền giả! Tôi đích thân lãnh thọ được các pháp hữu lậu này từ đức Thế Tôn, đây gọi là Kinh nói về pháp hữu lậu.
Thế nào là Kinh nói về pháp vô lậu? Vị Thánh đệ tử đa văn khi mắt thấy sắc thì không khởi tâm ưa đắm đối với sắc đáng nhớ, cũng không khởi tâm chán ghét đối với sắc không đáng nhớ, buộc niệm an trú, biết như thật về tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lượng. Những pháp ác, bất thiện đã khởi kia bị trừ diệt hoàn toàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế.
Tỳ-kheo nào giống như thế, dù Ma Ba-tuần có đến chỗ họ để dò xét chỗ sơ suất của vị ấy đối với mắt và sắc, cũng không thể tìm được. Đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp pháp mà dò xét chỗ sơ suất, cũng không tìm được. Giống như tòa nhà có tường vách kiên cố, cửa ngõ nhiều lớp đóng kín, dù cho bốn phía có lửa cháy cũng không thể cháy ngôi nhà được. Những Tỳ-kheo này cũng lại như thế, Tệ ma Ba-tuần dù có đến chỗ họ để dò xét chỗ sơ suất, [cũng] không thể tìm được.
Tỳ-kheo như vậy tức là đã vượt qua sắc ấy, không bị sắc ấy chế phục; vượt qua được thanh, hương, vị, xúc và pháp, không bị những pháp ấy chế phục. Nếu đã vượt qua được sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp rồi thì cũng vượt qua những pháp ác, bất thiện và khổ báo phiền não thiêu đốt,... (cho đến) sanh, già, bệnh, chết ở đời tương lai. Tôi đích thân lãnh thọ pháp này từ đức Thế Tôn, đây gọi là Kinh nói về pháp vô lậu.
Bấy giờ, Thế Tôn biết Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thuyết pháp xong, Ngài thức dậy ngồi ngay thẳng, buộc niệm trước mặt và nói với Đại Mục-kiền-liên:
Lành thay! Lành thay! Mục-kiền-liên! Thầy đã thuyết giảng kinh pháp này cho mọi người, làm lợi ích cho mọi người, giúp nhiều người được độ, được an lạc lâu dài, lợi lạc cho chư thiên và loài người.
Khi ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Các thầy nên lãnh thọ và giữ gìn Kinh pháp hữu lậu và vô lậu này, đồng thời giảng rộng cho người khác nghe. Vì sao như vậy? Vì kinh này nghĩa lý đầy đủ, pháp hạnh đầy đủ, Phạm hạnh đầy đủ, khai mở Thần túc, hướng thẳng đến Niết-bàn; (cho đến) người thiện nam phát khởi lòng tin, tại gia hay xuất gia cũng nên thọ trì đọc tụng và giảng nói cho người khác nghe.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1176. 0316a09). Tham chiếu: S. 35.243 - IV. 182.
[2] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
[3] Nguyên tác: Cù-đàm (瞿曇), dòng họ Gotama, chỉ cho những người họ Thích.
[4] Nguyên tác: Hệ niệm minh tướng (繫念明相). Cú ngữ này còn được viết “hệ niệm minh tưởng” (繫念明想). Minh tưởng hay còn gọi là “quang minh tưởng” (光明想, ālokasaññā), tức lấy các loại ánh sáng làm đề mục tu tập, tập trung tư tưởng trên đó. Vì hôn trầm có tính chất mê mờ uể oải, nên dùng tưởng ánh sáng để đối trị. Xem thêm Trưởng lão Thượng tôn thụy miên kinh 長老上尊睡眠經 (T.01. 0026.83. 0560a01): Này Đại Mục-kiền-liên! Nếu chứng buồn ngủ không thể chấm dứt thì thầy hãy trở vào thất, gấp y Ưu-đa-la-tăng làm bốn rồi trải lên giường, gấp y Tăng-già-lê làm gối, nằm nghiêng hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, tâm khởi tưởng nơi ánh sáng, an trú trong tỉnh giác chánh niệm, luôn khởi tưởng muốn thức dậy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.