Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 43

1175. CÂY KHẨN-THÚ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo ngồi thiền tại nơi thanh vắng, khởi lên suy nghĩ: “Tỳ-kheo thấy như thế nào, biết như thế nào để được cái thấy thanh tịnh?” Suy nghĩ như thế rồi, Tỳ-kheo liền đi đến chỗ các Tỳ-kheo thưa rằng:

Thưa các Tôn giả! Tỳ-kheo biết như thế nào, thấy như thế nào để được cái thấy thanh tịnh?

Tỳ-kheo đáp:

Thưa Tôn giả! Cần phải thấy biết như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất ly đối với sáu xúc nhập xứ. Này Tỳ-kheo! Biết như vậy, thấy như vậy sẽ được cái thấy thanh tịnh.

Tỳ-kheo này nghe Tỳ-kheo kia nói như thế thì tâm không hoan hỷ, liền đi đến Tỳ-kheo khác hỏi:

Thưa các Tôn giả! Tỳ-kheo biết như thế nào, thấy như thế nào để được cái thấy thanh tịnh?

Tỳ-kheo ấy đáp:

Biết như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất ly đối với sáu xúc nhập xứ. Như vậy, Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy sẽ được cái thấy thanh tịnh.

Khi ấy, Tỳ-kheo này nghe vị ấy nói như thế tâm cũng không hoan hỷ, lại đến Tỳ-kheo khác nữa hỏi:

Tỳ-kheo biết như thế nào, thấy như thế nào để được cái thấy thanh tịnh?

Tỳ-kheo ấy đáp:

Đối với năm thủ uẩn phải quán sát như bệnh tật, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là pháp vô thường, khổ, không, vô ngã. Biết như thế, thấy như thế sẽ được cái thấy thanh tịnh.

Tỳ-kheo này nghe các Tỳ-kheo nói như vậy tâm cũng không hoan hỷ, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch:

Bạch Thế Tôn! Con một mình ở chỗ vắng tư duy rằng: “Tỳ-kheo biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?” Sau khi nghĩ như thế, con đến hỏi các Tỳ-kheo... (Tỳ-kheo ấy đem ba lần hỏi đáp trình lên đầy đủ với Thế Tôn, rồi thưa tiếp): Con nghe những vị ấy nói nhưng không hoan hỷ, nên con đến chỗ Thế Tôn để thỉnh hỏi nghĩa này: “Tỳ-kheo biết thế nào, thấy thế nào để được cái thấy thanh tịnh?” Phật bảo Tỳ-kheo:

Vào thời quá khứ, có một người chưa từng thấy cây khẩn-thú, liền tìm đến người đã từng thấy cây khẩn-thú và hỏi: “Anh có biết cây khẩn-thú không?”

Đáp: “Biết!”

Lại hỏi: “Hình dạng của nó thế nào?”

Đáp: “Nó có màu đen như cây cột bị cháy.”

Vì khi người kia nhìn thấy thì cây khẩn-thú có màu đen như cây cột bị cháy.

Bấy giờ, người đàn ông ấy nghe nói cây khẩn-thú có màu đen như cây cột bị cháy thì không vui, liền đi đến người khác đã từng thấy cây khẩn-thú và hỏi:

“Ông có biết cây khẩn-thú không?”

Người kia đáp: “Biết!”

Lại hỏi: “Hình dạng của nó thế nào?”

Người từng thấy cây khẩn-thú đáp: “Nó có màu đỏ mà lộ ra như thớ thịt.”[2]

Vì khi người kia nhìn thấy thì cây khẩn-thú trông giống như một thớ thịt. Người đàn ông này nghe thế thì không vui, liền đi hỏi một người đã từng thấy cây khẩn-thú khác: “Ông có biết cây khẩn-thú không?” Người kia đáp: “Biết!”

Lại hỏi: “Hình dạng của nó thế nào?”

Đáp: “Thân của nó rủ xuống sum suê như quả thi-lợi-sa.”[3]

Người đàn ông này nghe rồi tâm cũng không vui, lại đi hỏi người khác nữa:

“Ông có biết cây khẩn-thú không?”

Đáp: “Biết!”

Lại hỏi: “Hình dạng của nó thế nào?”

Người kia trả lời: “Lá của nó màu xanh, trơn láng, dài rộng như cây Ni-câulâu-đà.”[4]

Giống như người hỏi về cây khẩn-thú, rồi nghe trả lời mà không vui nên đi khắp nơi để tìm hỏi thêm, tuy nhiên những người đã từng thấy cây khẩn-thú kia cứ y cứ theo thời điểm mình thấy mà trả lời, cho nên không ai trả lời giống ai.

Cũng vậy, các Tỳ-kheo một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, nhờ có tư duy nên không khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát, nên tùy theo chỗ thấy của họ mà trả lời. Nay thầy hãy nghe Như Lai nói thêm ví dụ này nữa, người trí nhờ nghe ví dụ mà hiểu được ý nghĩa.

Ví như có một quốc vương thống lãnh ở vùng biên cương, khéo sửa trị thành quách, cửa thành vững chắc, đường sá bằng phẳng, nơi bốn cửa thành có bốn người canh gác đều là người thông minh trí tuệ, biết rõ mọi sự đi lại. Trong thành này, giữa bốn giao lộ, có đặt một tòa tháp, vị chủ thành ngồi trên tòa tháp đó. Nếu có sứ giả từ phương Đông đến hỏi người giữ cổng thành: “Chủ thành ở đâu?”

Người giữ cửa liền trả lời: “Ở trong thành, đang ngồi trên tòa tháp ở ngã tư đường.”

Vị sứ kia liền đi đến chỗ vị chủ thành nhận lãnh những lời chỉ bảo rồi theo lối cũ đi về. Những sứ giả từ phương Nam, Tây, Bắc đến cũng hỏi người giữ cổng: “Chủ thành ở đâu?”

Những người giữ cổng thành đáp: “Ở trong thành, đang ngồi trên tòa tháp ở ngã tư đường.”

Các sứ giả liền đi đến chỗ vị chủ thành, nhận lời chỉ bảo rồi mỗi người trở về chỗ cũ của mình.

Phật bảo Tỳ-kheo:

Như Lai nói ví dụ này để nói lên ý nghĩa: Thành là dụ cho sắc thân thô kệch này,... (nói như Kinh ví dụ giỏ rắn độc).[5] Khéo sửa trị thành quách cho vững chắc là chỉ cho chánh kiến. Đường sá bằng phẳng là sáu nội nhập xứ. Bốn cửa chỉ cho bốn nơi ý thức trú ngụ.[6] Bốn người giữ cổng chỉ cho bốn niệm xứ.

Chủ thành chỉ cho thức thủ uẩn. Sứ giả là chánh quán. Nói lời đúng sự thật là bốn chân đế. Theo lối cũ trở về là tám chi Thánh đạo.

Phật bảo Tỳ-kheo:

Như vị Đại sư vì đệ tử làm những việc cần làm, nay Như Lai đã làm, vì lòng thương xót,... (nói giống như Kinh ví dụ giỏ rắn độc).[7]

Sau khi nghe Phật dạy xong, Tỳ-kheo chuyên cần tư duy, không buông lung, tiến tu Phạm hạnh,... (cho đến) không thọ thân sau và chứng quả A-la-hán.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1175. 0315b07). Tham chiếu: S. 35.245 - IV. 191. Khẩn-thú (緊獸) hay khẩn-thúc-ca (緊叔迦) là phiên âm từ kiṃsuka, Hán dịch là “nhục sắc hoa”, một loài cây đặc biệt, có hoa màu đỏ cong cong như mỏ chim anh vũ, có tên gọi khoa học là Butea Fondosa. Ở Việt Nam gọi là cây gièng gièng hoặc giềng giềng, lâm vồ, chan một hột.

[2] Khẩn-thú (緊獸) còn được dịch là “nhục sắc hoa” (肉色花).

[3] Thi-lợi-sa (尸利沙, Sirīsa).

[4] Ni-câu-lâu-đà (尼拘婁陀樹, Nigrodha): Cây đa Ấn Độ, còn gọi là cây Banyan.

[5] Xem kinh số 1172.

[6] Tứ thức trụ (四識住, catasso viññāṇaṭṭhitiyo) còn gọi “tứ thức xứ”, chỉ cho 4 uẩn là sắc, thọ, tưởng và hành, nơi an trú của ý thức.

[7] Kinh số 1172.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.