Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 43

1174. KHÚC GỖ TRÔI SÔNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại xứ A-tỳ-xà, bên bờ sông Hằng.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài, đứng sang một bên và bạch:

Lành thay! Thưa Thế Tôn! Xin Ngài hãy vì con mà nói pháp. Sau khi nghe xong, con sẽ một mình ở nơi thanh vắng, tinh cần tư duy, siêng năng tu tập, bởi lý do mà một người thiện nam cạo bỏ râu tóc, với niềm tin chân chánh, rời xa gia đình, sống không gia đình, làm người học đạo, tu hành Phạm hạnh là để ngay trong hiện tại tự mình chứng biết: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Bấy giờ, Thế Tôn nhìn ra sông Hằng, thấy một khúc cây lớn đang trôi theo dòng nước, Ngài liền nói với vị Tỳ-kheo:

Thầy có thấy khúc cây đang trôi theo dòng nước sông Hằng không?

Bạch Thế Tôn! Con có thấy!

Phật bảo Tỳ-kheo:

Khúc cây lớn đó nếu không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không chìm xuống đáy sông, không bị mắc ở cù lao, không bị cuốn vào nước xoáy, không bị người vớt lên, không bị phi nhân giữ lại, cũng không bị mục nát thì nó sẽ theo dòng nước, xuôi theo, trôi theo dòng nước mà ra biển lớn phải không?

Bạch Thế Tôn, đúng vậy!

Phật bảo:

Tỳ-kheo cũng như thế! Nếu không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không chìm xuống đáy, không bị mắc ở cù lao, không bị cuốn vào dòng nước xoáy, không bị người vớt, không bị phi nhân giữ lại, cũng không bị mục nát thì sẽ hướng về, xuôi về, chảy về Niết-bàn.

Tỳ-kheo bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, thế nào là bờ bên này? Thế nào là bờ bên kia? Thế nào là chìm xuống đáy? Thế nào là bị mắc ở cù lao? Thế nào là bị cuốn vào dòng nước xoáy? Thế nào là bị người vớt? Thế nào là bị phi nhân giữ lại? Thế nào là mục nát? Lành thay, bạch Thế Tôn! Cúi xin Ngài giảng rộng cho con. Sau khi nghe xong, con sẽ một mình ở nơi thanh vắng, tinh cần tư duy, siêng năng tu tập,... (cho đến) tự biết không còn tái sanh.

Phật bảo Tỳ-kheo:

Bờ bên này chỉ cho sáu căn. Bờ bên kia là sáu trần. Bị người vớt là Tỳkheo hay gần gũi với người thế tục hoặc tụ tập với người xuất gia, cùng sống và chia sẻ với nhau, hoặc sướng, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc buồn. Đó gọi là bị người vớt.

Bị phi nhân giữ lại, nghĩa là như có người phát nguyện tu tập Phạm hạnh rằng: “Nay ta giữ giới, khổ hạnh, tu các Phạm hạnh để mong được sanh lên cõi trời.” Đó là bị phi nhân giữ lại.

Bị cuốn vào dòng nước xoáy, nghĩa là tâm thoái thất, xả giới hoàn tục. Bị mục nát, tức là ví như người phạm giới, làm những việc ác, bất thiện, thối nát, ít học, như loài cỏ độc hại, hoặc như tiếng thổi của tù và, họ không phải Sa-môn mà làm ra vẻ giống Sa-môn, không có Phạm hạnh mà làm ra vẻ giống Phạm hạnh.

Như thế, này Tỳ-kheo! Đó gọi là không vướng bờ bên này, bờ bên kia,... (cho đến) chảy về Niết-bàn.

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật và lui ra.

Rồi Tỳ-kheo ấy một mình ở nơi thanh vắng, tư duy về Kinh khúc gỗ trôi sông mà Phật đã dạy,... (cho đến) tự biết không còn thọ thân sau, chứng quả A-la-hán.

Lúc ấy, cách chỗ Phật không xa, có một người chăn bò tên là Nan-đồ đang cầm roi chăn bò. Sau khi vị Tỳ-kheo đã đi rồi, người chăn bò đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Ngài rồi đứng sang một bên và bạch:

Bạch Thế Tôn! Hiện tại con có thể không vướng bờ bên này, không vướng bờ bên kia, không bị chìm xuống đáy, không mắc ở cù lao, không bị người vớt, không bị phi nhân giữ, không bị cuốn vào dòng nước xoáy và cũng không bị mục nát. Vậy con có được xuất gia tu Phạm hạnh trong Giáo pháp và Giới luật của Thế Tôn chăng?

Phật hỏi:

Con dẫn bò về trả lại cho chủ chưa?

Người chăn bò thưa:

Bạch Thế Tôn! Trong bầy bò có con đầu đàn có thể dẫn cả bầy về, không cần con dẫn. Xin Thế Tôn cho con xuất gia học đạo.

Phật bảo:

Tuy đàn bò có thể tự về nhà, nhưng con đã nhận cơm nước, y phục của người chủ, con phải về báo cho chủ biết.

Người chăn bò nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ lễ Phật ra về.

Người chăn bò đi chưa được bao lâu, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ở trong hội chúng bạch Phật:

Kính bạch Thế Tôn! Người chăn bò kia muốn xin xuất gia, sao Thế Tôn lại bảo trở về nhà?

Phật bảo Xá-lợi-phất:

Nếu người chăn bò Nan-đồ trở về nhà chỉ để hưởng thụ năm dục, đó là việc không bao giờ có. Sau khi giao bò lại cho chủ rồi, Nan-đồ sẽ trở lại trong giáo pháp này để xuất gia học đạo, tịnh tu Phạm hạnh,... (cho đến) tự biết không còn thọ thân sau và chứng A-la-hán.

Bấy giờ, Nan-đồ giao đàn bò lại cho chủ rồi trở lại chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, đứng sang một bên và bạch:

Kính bạch Thế Tôn! Con đã giao đàn bò lại cho chủ, xin Ngài cho con xuất gia học đạo trong Giáo pháp và Giới luật này.

Phật bảo Nan-đồ:

Con được ở trong Giáo pháp và Giới luật này xuất gia học đạo, thọ Cụ túc giới, trở thành Tỳ-kheo!

Sau khi xuất gia rồi, Nan-đồ tư duy về lý do mà một người thiện nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, với niềm tin chân chánh, rời xa gia đình, sống không gia đình, làm người học đạo, tu hành Phạm hạnh,... (cho đến) tự biết không còn tái sanh, chứng A-la-hán.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1174. 0314c07). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.43.3. 0758c12); S. 35.241 - IV. 179.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.