Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 43
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-diệm-di.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Vị Thánh đệ tử đa văn thấy biết như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất ly đối với tất cả pháp khổ; thấy năm dục giống như hầm lửa. Sau khi quán sát năm dục như thế rồi, đối với năm dục, dục tham,[2] dục ái,[3] dục niệm,[4] dục dính mắc[5] vĩnh viễn không còn che lấp tâm. Khi biết rõ mọi hành động[6] và trú xứ38 của dục tâm rồi thì tự mình phòng hộ. Khi đã phòng hộ hành xứ và trú xứ rồi thì nhờ vào sự phòng hộ hành xứ và trú xứ đó mà những tham muốn, ưu phiền, những pháp xấu, bất thiện không còn lọt vào tâm.
Thế nào gọi là vị Thánh đệ tử đa văn thấy biết như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất ly đối với tất cả pháp khổ? Nghĩa là vị Thánh đệ tử đa văn biết như thật đây là Thánh đế về khổ, biết như thật đây là Thánh đế về nguyên nhân của khổ, đây là Thánh đế về khổ diệt và đây là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt. Đây gọi là vị Thánh đệ tử đa văn thấy biết như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất ly đối với tất cả pháp khổ.
Thế nào gọi là vị Thánh đệ tử đa văn thấy năm dục như hầm lửa, (cho đến) những tham muốn, ưu phiền, những pháp ác, bất thiện ở thế gian vĩnh viễn không còn che đậy tâm?
Ví như gần một thôn xóm nọ có một cái hầm, dưới hầm có lửa lớn nhưng không có khói. Bấy giờ, có một người nam không ngu si, thông minh trí tuệ, ưa vui, chán khổ, ham sống, sợ chết. Anh ta nghĩ rằng: “Ở đây có cái hầm sâu đang có lửa lớn, nếu ta rơi xuống chắc chắn sẽ chết.” Nghĩ vậy rồi, người ấy lập tức tránh xa, nghĩ đến việc tránh xa, muốn tránh xa. Cũng thế, vị Thánh đệ tử đa văn thấy năm dục như hầm lửa,... (cho đến) những tham muốn, ưu phiền, những pháp ác, bất thiện ở thế gian vĩnh viễn không còn che đậy tâm. Nếu như mọi hành động và trú xứ đã được phòng hộ trước, được biết trước, (cho đến) những tham muốn, ưu phiền, những pháp ác, bất thiện ở thế gian không còn lọt vào tâm nữa.
Ví như gần một thôn xóm nọ có một cánh rừng nhiều cây gai nhọn, lúc ấy có người đàn ông đi vào rừng này mưu tính làm ăn. Khi vào trong rừng, anh ta nhìn thấy bốn phía và trên dưới đều có gai nhọn. Bấy giờ, anh ta chánh niệm bước đi, chánh niệm tới lui, chánh niệm nhìn rõ, chánh niệm nhìn thẳng, chánh niệm khom người xuống. Vì sao như vậy? Vì không để gai nhọn đâm vào thân mình. Vị Thánh đệ tử đa văn cũng giống như vậy, nương vào thành ấp, thôn xóm trú ngụ, sáng sớm đắp y, ôm bát vào làng khất thực phải khéo gìn giữ thân, nhiếp hộ tâm, chánh niệm an trú, chánh niệm bước đi, chánh niệm nhìn rõ và chánh niệm quan sát. Vì sao như vậy? Vì không để cho gai nhọn làm thương tổn đến giáo pháp và giới luật của bậc Thánh.
Thế nào là gai nhọn làm thương tổn đến giáo pháp và giới luật của bậc Thánh? Nghĩa là sắc vừa ý, đáng ưa, đáng nhớ, đó gọi là gai nhọn làm thương tổn đến giáo pháp và giới luật của bậc Thánh.
Thế nào là sắc vừa ý, đáng ưa, đáng nhớ, lại làm thương tổn đến giáo pháp và giới luật của bậc Thánh? Nghĩa là năm loại dục, mắt thấy sắc sanh tâm yêu mến, nhớ nghĩ, nuôi lớn dục lạc; tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc sanh ra ưa thích, nghĩ nhớ, nuôi lớn dục lạc. Đây gọi là sắc đáng yêu, đáng nhớ nghĩ làm thương tổn đến giáo pháp và giới luật của bậc Thánh. Đó gọi là vị Thánh đệ tử đa văn khéo phòng hộ và biết trước mọi hành động và trú xứ,... (cho đến) không để những tham muốn, ưu phiền, những pháp ác, bất thiện ở thế gian lọt vào tâm.
Hoặc khi vị Thánh đệ tử đa văn mất chánh niệm, sanh niệm ác, bất thiện, nuôi lớn tham dục, nuôi lớn sân hận và nuôi lớn si mê, đó là hàng căn tánh chậm lụt. Thánh đệ tử đa văn này tuy có khởi chánh niệm nhưng liền diệt mất, vì bị dục che lấp. Giống như nhỏ vài giọt nước lên hòn sắt nóng, nước liền khô, với hàng đệ tử căn tánh chậm lụt tuy có lúc chánh niệm, nhưng liền diệt mất cũng y như vậy.
Vị Thánh đệ tử đa văn thực hành như vậy, an trú như vậy. Nếu quốc vương hay đại thần hoặc quyến thuộc đến chỗ họ, dùng bổng lộc để mời mọc: “Này thiện nam! Cần gì phải cạo bỏ râu tóc, ôm bình bát đất, mặc áo cà-sa, đi xin ăn từng nhà? Sao không an ổn hưởng thụ năm dục, rồi bố thí làm phước?” Thế nào, này các Tỳ-kheo? Quốc vương, đại thần, các quyến thuộc và đàn-việt dùng bổng lộc đến mời thỉnh như vậy thì vị Thánh đệ tử đa văn kia có bị thoái thất mà hoàn giới không?
Các Tỳ-kheo đáp:
Thưa không, bạch Thế Tôn! Vì sao như vậy? Vì Thánh đệ tử đa văn đã thấy biết như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất ly đối với tất cả pháp khổ, đã thấy năm dục như hầm lửa, (cho đến) những tham muốn, ưu phiền, những pháp ác, bất thiện ở thế gian vĩnh viễn không còn che đậy tâm; mọi hành xứ và trụ xứ đã được phòng hộ trước, được biết trước,... (cho đến) những tham muốn, ưu phiền, những pháp ác, bất thiện ở thế gian không còn lọt vào tâm. Do đó, nếu chỉ vì quốc vương, đại thần hay quyến thuộc dùng bổng lộc mời thỉnh mà khiến vị ấy thoái thất, hoàn giới thì không bao giờ có.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
Lành thay! Lành thay! Vị Thánh đệ tử đa văn kia từ lâu tâm đã nghiêng về, xuôi về, trôi về, hướng về viễn ly, hướng đến lìa dục, hướng đến Niết-bàn tịch tĩnh, xả ly, vui trong Niết-bàn, mọi phiền não đã được tịch diệt, thanh lương. Vì vậy, nếu quốc vương, trưởng giả hay thân quyến dùng bổng lộc mời thỉnh mà muốn vị ấy thoái thất, xả giới hoàn tục thì không bao giờ có! Họ chỉ chuốc thêm khổ nhọc. Ví như sông Hằng luôn hướng về, xuôi về, chảy về phương Đông mà có nhiều người ngăn chặn muốn cho hướng về, xuôi về, chảy về phương Tây thì có được không?
Các Tỳ-kheo đáp:
Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao như vậy? Vì sông Hằng luôn luôn chảy về phương Đông mà muốn chảy về phương Tây thì không thể được, những người kia sẽ luống chịu khổ nhọc! Cũng thế, Thánh đệ tử đa văn từ lâu tâm đã nghiêng về, xuôi về, trôi về, hướng về viễn ly,... (cho đến) muốn vị ấy thoái thất là điều không thể được, họ chỉ luống chịu khổ nhọc mà thôi.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1173. 0314a02). Tham chiếu: S. 35.244 - IV. 188.
[2] Nguyên tác: Tham (貪, kāmacchanda): Dục vọng.
[3] Dục ái (欲愛, kāmasneha): Sự yêu mến.
[4] Dục niệm (欲念, kāmamucchā): Yêu thương say mê.
[5] Dục trước (欲著): Thương yêu quấn quýt không rời. S. 35.244 - IV. 188: Kāmapariḷāha (Thương yêu mãnh liệt, còn gọi là “dục nhiệt não”).
[6] Hành xử (行處). S. 35.244 - IV. 188: Cāra (Hành động, cử động, sự tiến hành). 38 Trú xứ (住處, vihāra): Nơi cư ngụ.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.