Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 43

1164. DO ÁI ĐAN DỆT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Lộc Uyển, trú xứ của Tiên nhân, thuộc nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo nhóm họp ở giảng đường rồi bàn luận như vầy:

Các Tôn giả! Như Thế Tôn nói Kinh Đê-xá-di-đức-lặc thưa hỏi, ở phẩm

Ba-la-diên như vầy:[2]

Người biết hai cực đoan,
Khoảng giữa không dính mắc,
Gọi là Đại trượng phu,
Không đoái hoài năm dục,
Không phiền não gông cùm,
Thoát ưu phiền đan dệt.

Các Tôn giả! Đây có nghĩa gì? Thế nào là cực đoan? Thế nào là hai cực đoan? Thế nào là khoảng giữa? Thế nào là đan dệt? Thế nào là tư duy, dùng trí mà biết, dùng liễu tri mà liễu tri, biết điều cần biết rồi, liễu tri điều cần liễu tri rồi thì vượt thoát khổ đau?

Có người trả lời:

Sáu căn là cực đoan thứ nhất, sáu trần là cực đoan thứ hai, thọ là khoảng giữa, ái là đan dệt. Do ái[3] đan dệt nên thân duyên vào chỗ này chỗ kia, dần dần tăng trưởng rồi được sanh thành.[4] Đối với điều này, nếu dùng trí mà biết, dùng liễu tri mà liễu tri, biết điều cần biết rồi, liễu tri điều cần liễu tri rồi thì vượt thoát khổ đau.

Lại có người nói:

Đời quá khứ là cực đoan thứ nhất, đời tương lai là cực đoan thứ hai, đời hiện tại gọi là khoảng giữa, ái là đan dệt. Do ái đan dệt nên thân duyên vào chỗ này chỗ kia, dần dần tăng trưởng rồi được sanh thành... (cho đến) vượt thoát khổ đau.

Lại có người nói:

Cảm thọ lạc là cực đoan thứ nhất, cảm thọ khổ là cực đoan thứ hai, không khổ không lạc là khoảng giữa, ái là đan dệt. Do ái đan dệt nên thân duyên vào chỗ này chỗ kia, dần dần tăng trưởng rồi được sanh thành... (cho đến) vượt thoát khổ đau.

Lại có người nói:

Hữu là cực đoan thứ nhất, sự tập khởi là cực đoan thứ hai, thọ là khoảng giữa, ái là đan dệt... (cho đến) vượt thoát khổ đau.

Lại có người nói:

Thân là cực đoan thứ nhất, sự tập khởi của thân là cực đoan thứ hai, ái là đan dệt... (cho đến) vượt thoát khổ đau.

Lại có người nói:

Những điều chúng ta đưa ra không đồng nhất, dẫn đến có nhiều thuyết khác nhau, không mong gì hiểu rõ. Trong Kinh Đê-xá-di-đức-lặc thưa hỏi, phẩm Ba-la-diên, Thế Tôn có chỉ dạy thêm gì không? Chúng ta nên đến chỗ Thế Tôn để thưa hỏi, rồi chúng ta sẽ phụng trì theo lời Thế Tôn dạy.

Thế rồi những vị Tỳ-kheo ấy cùng đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài, ngồi sang một bên và thưa:

Bạch Thế Tôn! Vừa rồi các Tỳ-kheo nhóm họp ở giảng đường, bàn luận như vầy: “Trong Kinh Đê-xá-di-đức-lặc thưa hỏi, phẩm Ba-la-diên, Thế Tôn có nói về hai cực đoan, (cho đến) vượt thoát khổ đau.” Có người nói rằng: “Sáu căn là cực đoan thứ nhất, sáu trần là cực đoan thứ hai, thọ là khoảng giữa, ái là đan dệt...” (nói đầy đủ như trên). Chúng con không thể quyết định được, nên hôm nay cùng nhau đến thưa hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Trong chúng con, ai là người hiểu đúng nghĩa ấy?

Phật nói với các Tỳ-kheo:

Những gì các thầy nói đều đúng. Nay Ta sẽ nói thêm cho các thầy nghe về điều còn lại trong kinh ấy. Trong Kinh Đê-xá-di-đức-lặc thưa hỏi, phẩm Ba-ladiên, Ta còn có nói như vầy: Xúc là cực đoan thứ nhất, sự tập khởi của xúc là cực đoan thứ hai, thọ là khoảng giữa, ái là đan dệt. Do ái đan dệt nên thân duyên vào chỗ này chỗ kia, rồi duyên với xúc mà tăng trưởng rồi được sanh thành. Đối với điều này, nếu dùng trí mà biết, dùng liễu tri mà liễu tri; biết điều cần biết rồi, liễu tri điều cần liễu tri rồi thì vượt thoát khổ đau.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1164. 0310b20). Tham chiếu: A. 6.61 - III. 399.

[2] Ba-la-diên Đê-xá-di-đức-lặc sở vấn (波羅延低舍彌德勒所問): Những câu hỏi của Đê-xá-di-đức-lặc (Tissametteyyamānava pucchā), trong phẩm Ba-la-diên (Pārāyana). Tham chiếu: A. 6.61 - III. 399: Thế Tôn đã nói như sau trong “Con đường đến bờ bên kia” trong câu hỏi của Metteyya (HT. Thích Minh Châu dịch).

[3] Nguyên tác: Thọ (受). A. 6.61 - III. 399: Taṇhā (ái). Bản dịch hiệu chú theo bản Pāli.

[4] Nguyên tác: Tập ư thọ giả, đắc bỉ bỉ nhân thân, tiệm chuyển tăng trưởng xuất sanh (習於受者, 得彼彼因身, 漸轉增長出生). A. 6.61 - III. 399: Taṇhā hi naṃ sibbati tassa tasseva bhavassa abhinibbattiyā (Ái là người thợ dệt; vì rằng ái dệt nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này), HT. Thích Minh Châu dịch.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.