Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 42

1152. THIẾU NIÊN TÂN-KỲ-CA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Khi ấy, có thiếu niên Bà-la-môn tên là Tân-kỳ-ca đi đến chỗ Phật rồi dùng những lời bất thiện, thô ác, sân hận, mắng chửi, chỉ trích trước mặt đức Phật.

Bấy giờ, Thế Tôn hỏi thiếu niên Tân-kỳ-ca:

Vào những ngày lành tháng tốt, ngươi có thường chiêu đãi bà con quyến thuộc hay không?

Tân-kỳ-ca đáp:

Có chứ! Thưa Cù-đàm!

Đức Phật hỏi:

Nếu thân quyến của ngươi không thọ nhận thức ăn thì phải làm sao?

Tân-kỳ-ca đáp:

Nếu họ không nhận, thức ăn ấy vẫn thuộc về tôi.

Phật bảo Tân-kỳ-ca:

Ngươi cũng như vậy! Trước mặt Như Lai, ngươi nhục mạ, trách mắng bằng những lời bất thiện, thô ác nhưng Như Lai lại không nhận lấy thì những lời trách mắng ấy thuộc về ai?

Tân-kỳ-ca đáp:

Đúng thế, Cù-đàm! Tuy ông không nhận, nhưng tôi đã biếu tặng ông rồi thì xem như là đã cho.

Đức Phật bảo Tân-kỳ-ca:

Như thế không thể gọi là biếu tặng nhau, đâu thể bảo là đã trao cho nhau.

Tân-kỳ-ca hỏi:

Thế nào mới gọi là biếu tặng nhau, thế nào gọi là đã trao cho nhau? Thế nào là không nhận quà biếu tặng nhau, cũng không thể gọi là đã trao cho nhau?

Đức Phật bảo Tân-kỳ-ca:

Nên biết như vầy: Biếu tặng sự mắng chửi thì được đáp trả bằng sự mắng chửi, tặng sự sân hận thì được đáp trả bằng sự sân hận, tặng sự đánh đập thì được đáp trả bằng sự đánh đập, tặng sự tranh đấu thì được đáp trả bằng sự tranh đấu, như vậy mới gọi là biếu tặng lẫn nhau, mới gọi là đã trao cho nhau.

Lại nữa, này Tân-kỳ! Nếu được ban tặng sự mắng chửi nhưng không đáp trả bằng sự mắng chửi, được tặng sự sân hận mà không đáp trả bằng sự sân hận, được tặng sự đánh đập nhưng không đáp trả bằng sự đánh đập, được tặng sự tranh đấu mà không [đáp] trả bằng sự tranh đấu, vậy thì chẳng thể gọi là biếu tặng cho nhau, chẳng thể gọi là đã trao cho nhau.

Tân-kỳ-ca thưa:

Cù-đàm! Tôi từng nghe xưa kia có Trưởng lão kỳ đức Bà-la-môn, bậc Đại sư hành đạo nói rằng: “Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác khi bị mắng chửi, nhục mạ, sân hận, quở trách thì không sân không hận” nhưng nay Cù-đàm lại khởi sân hận?

Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ:

Không sân, đâu nổi sân?
Chánh mạng nhờ điều phục,
Chánh trí, tâm giải thoát,
Người trí không sân hận.
Lấy sân để trả sân,
Ấy chính là người ác,
Không lấy sân trả sân,
Người trí khéo điều phục.
Không sân thắng sân hận,

(Ba đoạn kệ tiếp theo nói như ở kinh 1151 trên).

Bấy giờ, thiếu niên Tân-kỳ-ca bạch Phật:

Thưa Cù-đàm! Con xin sám hối, con thật ngu si, không phân biệt đâu là bất thiện, ở trước Sa-môn Cù-đàm mà dám nhục mạ, trách mắng bằng những lời bất thiện, thô ác.

Tân-kỳ-ca nghe lời Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1152. 0307a10). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.75. 0400b10); S. 7.2 - I. 161.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.