Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 42

1147. HIỂM HỌA NÚI ĐÁ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, vào lúc giữa trưa, Vua Ba-tư-nặc thân dính đầy bụi, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.

Đức Phật hỏi:

Đại vương từ đâu đến?

Vua đáp:

Bạch Thế Tôn! Con là vua đã được thọ pháp quán đảnh, tự tại giữa cõi người, tinh cần nỗ lực thống lãnh cõi đất, quản lý việc nước, xem xét khắp nơi, rồi đến nơi đây.

Đức Phật bảo:

Ta nay hỏi Đại vương, hãy tùy ý trả lời. Ví như có người từ phương Đông đến, có tín, có duyên, chưa từng giả dối, tâu với vua rằng: “Thần từ phương Đông đến đây, thấy ngọn núi đá vô cùng to lớn, không thủng không hoại, cũng không khuyết lõm, đang lăn đến đây, tất cả chúng sanh cho đến cỏ cây hoa lá đều bị nghiền nát.” Từ phương Nam, Tây và Bắc cũng có người đến, có tín, có duyên, chưa từng giả dối, cũng đến tâu vua: “Thần thấy núi đá vô cùng to lớn, không bể không hoại, cũng không khuyết lõm, đang lăn đến đây, tất cả chúng sanh cho đến cỏ cây hoa lá đều bị nghiền nát.” Đại vương! Ngài nghĩ thế nào? Những cảnh tượng kinh sợ, nguy hiểm như thế xảy đến, chúng sanh mất mạng, thân người khó giữ, phải tính thế nào?

Vua bạch Phật:

Nếu như thế thì chẳng còn cách nào để tính, chỉ gắng tu thiện, đối với Pháp và Luật của Phật phải chuyên tâm tinh tấn.

Đức Phật hỏi:

Vì sao mà nói “khi có những việc kinh sợ, nguy hiểm bất chợt xảy đến, chúng sanh mất mạng, thân người khó giữ thì chỉ phải hành pháp, hành nghĩa, hành phước, đối với giáo pháp của Phật phải chuyên tinh hành trì”? Vì sao không nói là “ngôi vua Quán đảnh, đứng đầu loài người, có thể tự tại, đối với cõi đất, mọi việc, mọi người, vua sẽ quản lý tất cả”?

Vua bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Khi thanh bình mới nói ngôi vua Quán đảnh đứng trên mọi người, thống lãnh cõi đất, quản lý nhiều việc, dùng lời đấu lời, dùng tiền đấu tiền, dùng tượng binh đấu tượng binh, dùng xa binh đấu xa binh, dùng bộ binh đấu bộ binh. Nhưng ngay lúc ấy,[2] không được tự tại, dù thắng hay bại. Thế nên con nói lúc hiểm nguy bất chợt xảy đến, chúng sanh mất mạng, thân người khó giữ, không cách nào khác, chỉ phải hành nghĩa, hành pháp, hành phước, đối với giáo pháp của Phật chuyên tâm quay về nương tựa.

Đức Phật bảo:

Đại vương! Đúng thế, đúng thế! Trải qua hiểm họa nghiền nát, nghĩa là kiếp ác, già, bệnh, chết, khổ, não nghiền nát chúng sanh thì phải làm thế nào? Cần phải tu nghĩa, tu pháp, tu phước, tu thiện, tu tâm từ, ở trong Phật pháp siêng năng tinh tấn.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Như có núi đá lớn,
To lớn không nát bể,
Từ bốn phương lăn đến,
Nghiền nát đại địa này,
Không binh mã, chú thuật,
Sức lực để phòng ngự.
Như kiếp ác, già, chết,
Thường nghiền nát chúng sanh,
Bốn giai cấp chủng tộc,
Thợ săn Chiên-đà-la.
Tại gia và xuất gia,
Người trì giới, phạm giới,
Tất cả đều bị nghiền,
Không ai cứu giúp nổi.
Do đó người trí tuệ,
Quán sát lợi chính mình,
Tạo dựng lòng tịnh tín,
Tin vào Phật, Pháp, Tăng.
Thân, khẩu, ý thanh tịnh,
Tùy thuận theo Chánh pháp,
Hiện đời được tiếng khen,
Lâm chung sanh cõi trời.

Đức Phật nói kinh này xong, Vua Ba-tư-nặc nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1147. 0305b06). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.70. 0398c09); S. 3.25 - I. 224.

[2] Tức lúc núi đá lăn xuống nghiền nát tất cả.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.