Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 42

1160. HAI LOẠI THANH TỊNH[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có Bà-la-môn dẫn đoàn tùy tùng cầm lọng vàng,[2] mặc xá-lặc[3] đi đến chỗ Phật, thăm hỏi nhau xong, ngồi sang một bên rồi nói kệ:

Phải là Bà-la-môn,
Sở hành mới thanh tịnh,
Sát-lợi tu khổ hạnh,
Chẳng thể đưa đến tịnh.
Bà-la-môn tam điển,[4]
Đích thực là thanh tịnh,
Người thanh tịnh như thế,
Chúng sanh khác không có.

Thế Tôn nói kệ đáp:

Không biết đạo thanh tịnh,
Và các tịnh vô thượng,
Tìm tịnh ở nơi khác,
Rốt cuộc không được tịnh.

Bà-la-môn bạch Phật:

Cù-đàm vừa nói về đạo thanh tịnh và thanh tịnh vô thượng. Thế nào là đạo thanh tịnh? Thế nào là thanh tịnh vô thượng?

Đức Phật trả lời:

Chánh kiến là đạo thanh tịnh. Nếu tu tập và tu tập thuần thục về chánh kiến thì đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân hận và đoạn trừ ngu si. Nếu Bà-la-môn nào đoạn tận tham dục, sân hận, ngu si, đoạn sạch tất cả phiền não, gọi là thanh tịnh vô thượng. Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định gọi là đạo thanh tịnh. Khi tu tập và tu tập thuần thục về chánh định rồi thì đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân hận và đoạn trừ ngu si. Nếu Bà-la-môn nào đoạn tận tham dục, sân hận, ngu si, đoạn sạch tất cả phiền não, gọi là thanh tịnh vô thượng.

Khi ấy, Bà-la-môn nói rằng:

Cù-đàm còn giảng về đạo thanh tịnh và thanh tịnh vô thượng nữa chăng? Thế gian nhiều việc, bây giờ xin cáo từ.

Đức Phật đáp:

Nên biết đúng lúc!

Bà-la-môn dẫn đoàn tùy tùng cầm lọng vàng, mặc xá-lặc ấy nghe lời Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra về.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1160. 0309b23). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.83. 0402c08); S. 7.7 - I. 165.

[2] Nguyên tác: Kim cái (金蓋): Lọng vàng. Bản Tống, Nguyên, Minh ghi là “hoa cái” (華蓋): Lọng hoa.

[3] Nguyên tác: Xá-lặc (舍勒), còn gọi là “xá-tra-ca” (舍吒迦, S. Śāṭaka). Bản Thánh ghi “kim-lặc” (金勒), “niết-bàn-tăng” (涅槃僧), nghĩa là hạ y, xà-rông.

[4] Tam điển (三典) chỉ cho vị Bà-la-môn tinh thông 3 bộ Vệ-đà.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.