Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 42

1158. VỢ CHỒNG BÀ-LA-MÔN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, nước Xá-vệ có thiếu phụ Bà-la-môn tên là Bà-tứ-tra[2] rất kính tin

Phật, Pháp, Tăng; đã quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tỳ-kheo-tăng; đối với Phật, Pháp, Tăng đã dứt hết nghi ngờ; đối với khổ, tập, diệt, đạo[3] đã dứt hết nghi ngờ; đã chứng quả nhờ thấy chân lý,[4] được Vô gián tuệ.[5] Chồng của bà là Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá.[6]

Khi làm bất cứ việc gì, có chút ít được mất, bà liền xưng niệm “Nam-mô Phật” và hướng về phương mà Như Lai đang trú, chắp tay nói ba lần: “Nam-mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác,[7] thân sắc vàng ròng, tỏa sáng một tầm, thân thể đầy đặn như cây Ni-câu-luật, khéo nói Diệu pháp, đấng Mâu-ni tôn quý, bậc Tiên Nhân thượng thủ, là Đại sư của con!”

Chồng của bà nghe vậy, nổi giận không vui, liền nói với vợ mình:

Bà bị quỷ ám chăng? Không có lý gì mà bà lại bỏ các Bà-la-môn đức lớn và đầy đủ tam minh39 rồi đi xưng tán lão Sa-môn trọc đầu ấy. Ông ta là hạng người hắc ám, đời không ai khen. Bây giờ, tôi sẽ đến tranh luận với ông thầy của bà, sẽ biết rõ ai hơn ai.

Người vợ nói với chồng:

Tôi chưa từng thấy chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn và người nào mà có thể cùng tranh luận với Thế Tôn, đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, thân sắc vàng ròng, tỏa sáng một tầm, thân thể đầy đặn như cây Ni-câu-luật, là bậc Tiên Nhân thượng thủ, khéo nói pháp vi diệu, là Đại sư của tôi. Nhưng nay ông hãy cứ đến, tự mình sẽ biết.

Thế rồi, Bà-la-môn ấy liền đến chỗ Phật, thăm hỏi nhau xong liền ngồi xuống một bên rồi dùng kệ hỏi Phật:

Đoạn trừ[8] những thứ gì,
Ngủ nghỉ được an ổn?
Đoạn trừ những thứ gì,
Để tâm không lo buồn?
Đoạn trừ những thứ gì,
Được Cù-đàm khen ngợi?

Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của Bà-la-môn, liền nói kệ đáp:

Người đoạn trừ sân hận,
Ngủ nghỉ được bình an,
Người đoạn trừ sân hận,
Thì tâm không lo buồn.
Sân hận là gốc độc,
Làm hại hạt giống tốt,
Khéo dứt trừ sân hận,
Được Thánh hiền ngợi khen,
Khéo dứt trừ sân hận,
Tâm sẽ không buồn lo.

Bấy giờ, Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá nghe đức Phật giảng thuyết, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ. Rồi Phật thuyết pháp theo thứ lớp, nghĩa là nói về bố thí, nói về trì giới, nói về pháp sanh thiên, nói về mê đắm dục lạc là tai họa phiền não, rồi lại phân biệt nói rộng về thanh tịnh nhờ giải thoát, viễn ly, tùy thuận phước lợi thanh tịnh. Như tấm vải trắng dễ nhuộm màu, cũng vậy, Bà-la-môn ấy ngay tại chỗ ngồi đã không còn ngăn ngại đối với bốn Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Nghĩa là Bà-la-môn ấy đã thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thể nhập giáo pháp, thoát khỏi nghi hoặc, không do ai khác mà được độ thoát, ở trong Pháp, Luật, được vô sở úy.

Thế rồi, Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa bày vai phải, chắp tay bạch Phật:

Con đã được độ, bạch Thế Tôn! Con đã được độ, bạch Thiện Thệ! Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo-tăng, từ nay cho đến trọn đời nguyện làm một ưu-bà-tắc, xin Ngài chứng tri cho con.

Bấy giờ, Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá nghe Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra, trở về nhà của mình.

Người vợ từ xa nhìn thấy chồng về, liền hỏi:

Ông đã tranh luận với Đại sư của tôi, đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, thân sắc vàng ròng, tỏa sáng một tầm, thân thể đầy đặn như cây Ni-câu-luật, khéo nói Diệu pháp, bậc Tiên Nhân thượng thủ, đấng Mâu-ni tôn quý hay chưa?

Ông chồng đáp:

Tôi chưa từng thấy chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-lamôn, thiên thần hay người đời nào có thể tranh luận với Đại sư của bà, đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, thân sắc vàng ròng, tỏa sáng một tầm, thân thể đầy đặn như cây Ni-câu-luật, khéo nói Diệu pháp, bậc Tiên Nhân thượng thủ, đấng Mâu-ni tôn quý! Bây giờ bà sắm cho tôi một pháp y tốt, để tôi đem theo đến chỗ Thế Tôn xuất gia học đạo.

Người vợ liền lấy xấp vải tốt để may pháp y.

Lúc ấy, Bà-la-môn đem y đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, đứng qua một bên rồi thưa:

Bạch Thế Tôn! Nay con có thể ở trong Chánh pháp của Thế Tôn mà xuất gia học đạo, tu hành Phạm hạnh chăng?

Đức Phật bảo vị Bà-la-môn:

Ông nay có thể ở trong Chánh pháp và Giới luật này xuất gia học đạo, tu hành Phạm hạnh.

Sau khi được xuất gia rồi, Bà-la-môn ấy thường một mình ở chỗ vắng suy nghĩ đến lý do khiến người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác y cà-sa, có lòng tin chân chánh, rời bỏ gia đình, xuất gia học đạo... (cho đến) đắc quả A-la-hán, tâm hoàn toàn giải thoát.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1158. 0308b20). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1116. 0295b24); Tạp. 雜 (T.02. 0099.1309. 0360b03); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.81. 0401c20); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.45. 0388c27); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.308. 0478c06); Pháp cú kinh 法句經 (T.04. 0210.2. 0568a02); Xuất diệu kinh 出曜經 (T.04. 0212.20. 0713b05); Pháp tập yếu tụng kinh 法集要頌經 (T.04. 0213.2. 0787a08); S. 1.71 - I. 41; S. 2.3 - I. 47; S. 7.1 - I. 160; S. 11.21 - I. 237.

[2] Bà-tứ-tra (婆肆吒).

[3] Nguyên tác: Khổ, tập, tận, đạo (苦習盡道).

[4] Nguyên tác: Kiến đế đắc quả (見諦得果): Thấy rõ chân lý, chứng quả Dự lưu.

[5] Bản Tống, Nguyên, Minh ghi: Vô văn tuệ (無聞慧). Có thể là “Vô gián đẳng” (無間等), chỉ cho quả vị Dự lưu.

[6] Bà-la-đậu-bà-giá (婆羅豆婆遮, Bhāradvāja).

[7] Nguyên tác: Nam-mô Đa-đà-a-già-độ, A-la-ha, Tam-miệu-tam Phật-đà (南無多陀阿伽度, 阿羅呵, 三藐三佛陀, Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa). 39 Tam minh (三明) chỉ cho việc tinh thông 3 bộ Vệ-đà.

[8] Nguyên tác: Sát (殺). S. 7.1 - I. 160: Chetvā (cắt đứt, đoạn trừ).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.