Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 42

1157. BÀ-LA-MÔN HỎA DỮ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Sáng sớm, Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Vương Xá tuần tự khất thực rồi dừng lại trước nhà Bà-la-môn Hỏa Dữ.[2]

Từ xa trông thấy đức Phật đi đến, Bà-la-môn liền đem thức ăn ngon cúng dường đầy bát Thế Tôn. Hai ba ngày liên tiếp như vậy, Thế Tôn cứ đến nhà này khất thực, Bà-la-môn Hỏa Dữ từ xa trông thấy Phật lại đến, liền nghĩ rằng: “Samôn trọc đầu này sao cứ đến đây mãi, vì tham thức ăn ngon chăng?”

Bấy giờ, Thế Tôn biết được ý nghĩ của Bà-la-môn Hỏa Dữ, liền nói kệ:

Trời mỗi ngày đổ mưa,
Nông phu ngày đêm cày,
Thường gieo trồng thóc giống,
Ruộng ấy lúa thường thu.
Như mẹ mang thai con,
Bò sữa mang thai nghé,
Đối với người đến xin,
Luôn có lòng bố thí,
Do thường hay bố thí,
Nên luôn được tiếng thơm.
Nhiều lần bỏ thây chết,
Nhiều lần khóc luyến thương,
Cứ sanh rồi lại tử,
Cứ mãi khổ, đau buồn,
Vẫn thường châm lửa đốt,
Vẫn thường bị trùng ăn.
Nếu đắc đạo Hiền thánh,
Khỏi mãi chịu trầm luân,
Cũng không mãi sống chết,
Không mãi khổ, đau buồn,
Không mãi bị lửa đốt,
Không mãi bị trùng ăn.

Bấy giờ, Bà-la-môn Hỏa Dữ nghe đức Phật nói kệ xong, liền phát khởi tín tâm trở lại, liền đem thức ăn đầy bát cúng dường lên Phật, nhưng Thế Tôn không nhận vì do nói kệ mới được cúng. Rồi Ngài lại nói kệ:

Khi thuyết giảng kệ, pháp,
Không nên nhận thức ăn,
Quán sát pháp do đâu,[3]
Thuyết pháp, không thọ thực,
Bà-la-môn nên biết,
Đó là sống trong sạch.
Lần khác nên cúng dường,
Bậc Đại Tiên thuần tịnh,
Đã sạch hết hữu lậu,
Đã dứt mọi nhiễm ô.
Đem thức ăn cúng dường,
Đến ruộng phước tốt ấy,
Nếu muốn gieo phước đức,
Thì ruộng Ta là tốt.

Bà-la-môn Hỏa Dữ bạch Phật:

Nay thức ăn này nên đặt nơi đâu?

Đức Phật bảo:

Ta không thấy chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, thiên thần hay người nào có thể thọ dụng thức ăn của tín thí này mà thân được an lạc. Vậy ông nên đem thức ăn này bỏ vào trong nước không có trùng hoặc chỗ đất ít có cỏ mọc.

Khi ấy, Bà-la-môn liền đem thức ăn này bỏ vào trong nước không có trùng, nước liền bốc khói, sôi lên nghe xèo xèo. Ví như bỏ viên sắt nung đỏ vào trong nước, nước liền bốc khói, phát ra tiếng xèo xèo. Cũng thế, Bà-la-môn đem thức ăn này bỏ vào trong nước, nước liền bốc khói, phát ra tiếng xèo xèo. Khi ấy, Bà-la-môn Hỏa Dữ khen rằng:

Kỳ lạ thay! Cù-đàm đức độ lớn, oai lực lớn, có thể khiến thức ăn này hiện thần biến.

Do thấy thức ăn hiện thần biến như thế, Bà-la-môn Hỏa Dữ phát tâm kính tín, đảnh lễ sát chân Phật, đứng qua một bên rồi thưa:

Bạch Thế Tôn! Nay con có thể ở trong Chánh pháp để xuất gia, thọ giới Cụ túc và tu Phạm hạnh chăng?

Đức Phật đáp:

Ông nay có thể ở trong Chánh pháp mà xuất gia, thọ giới Cụ túc!

Sau khi xuất gia rồi, vị ấy thường suy nghĩ đến lý do khiến người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác y cà-sa, có lòng tin chân chánh, rời bỏ gia đình, xuất gia học đạo... (cho đến) đắc quả A-la-hán, tâm hoàn toàn giải thoát.[4]

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1157. 0308a03). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.80. 0401b11); S. 7.12 - I. 173.

[2] Hỏa Dữ Bà-la-môn (火與婆羅門). S. 7.12 - I. 173: Kasibhāradvāja Brāhmaṇa (Bà-la-môn Kasi Bhāradvāja). Sn. 1.4 - 12, Sundarikā Bhāradvāja, là vị Bà-la-môn cúng tế lửa bên bờ sông Sundarikā. Bản Hán chưa xác định rõ ràng về 2 vị Bà-la-môn này.

[3] Nguyên tác: Đương quán sát tự pháp (當觀察自法). Tự (自) dùng trong nghĩa từ đâu đến, do duyên gì (由來, 緣由).

[4] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.