Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 41
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp và Tôn giả A-nan trú tại núi Kỳ-xà quật, thuộc thành Vương Xá. Khi ấy, Thế Tôn Niết-bàn chưa bao lâu, gặp lúc mất mùa đói kém, khất thực khó khăn.
Bấy giờ, chúng Tỳ-kheo trẻ tuổi theo Tôn giả A-nan không khéo nhiếp hộ các căn, ăn uống không tiết độ, không thể tinh cần tư duy thiền định từ đầu đêm đến cuối đêm, ưa thích, ham mê ngủ nghỉ, tìm cầu lợi lộc ở đời. Khi du hành đến Nam Sơn[2] thì có ba mươi Tỳ-kheo trẻ tuổi xả giới hoàn tục, còn lại vài vị nhỏ tuổi. Lúc ấy, Tôn giả A-nan đang du hành ở nước Nam Sơn, vì thấy đồ chúng còn quá ít nên trở lại thành Vương Xá. Sau khi cất y bát, rửa chân xong, Tôn giả A-nan đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, cung kính đảnh lễ rồi ngồi sang một bên.
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp hỏi:
Thầy từ đâu đến? Sao đồ chúng còn ít vậy?
A-nan đáp:
Con đang du hành đến nước Nam Sơn thì có ba mươi Tỳ-kheo trẻ tuổi xả giới hoàn tục, đồ chúng tổn giảm, nay còn lại phần nhiều là các vị nhỏ tuổi.
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp hỏi Tôn giả A-nan:
Vì những phước lợi gì mà đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, bậc Đã Thấy Đã Biết chế giới hạn chế ba người trở lên cùng ăn chung?[3]Tôn giả A-nan đáp:
Vì hai việc. Là hai việc nào? Một là, nhà nghèo sẽ thêm khốn khó. Hai là, những kẻ xấu lập bè đảng phá hoại nhau. Vì không để cho những kẻ xấu đó lén trà trộn vào trong chúng Tăng, mượn danh chúng Tăng, gây chướng ngại đại chúng, chia làm hai phe rồi hiềm khích, tranh đấu lẫn nhau.[4]Tôn giả Ma-ha Ca-diếp bảo A-nan:
Thầy đã biết ý nghĩa này thì tại sao giữa lúc đói kém lại dẫn số đông đồ chúng trẻ tuổi du hành đến Nam Sơn khiến cho ba mươi người xả giới hoàn tục, đồ chúng tổn giảm, chỉ còn lại phần nhiều là các vị tuổi nhỏ như thế này? A-nan! Đồ chúng của thầy tổn giảm như vậy thì thầy đúng là trẻ con, không biết trù tính.
Tôn giả A-nan đáp:
Thế nào, thưa Tôn giả Ma-ha Ca-diếp? Đầu con đã hai thứ tóc mà ngài nói là trẻ con ư?
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp bảo:
Ở thời buổi đói kém, thầy cùng các đệ tử trẻ tuổi du hóa trong nhân gian, lại để cho ba mươi đệ tử xả giới hoàn tục, chỉ còn lại các vị tuổi nhỏ. Đồ chúng tổn giảm là do thầy không biết trù tính vậy mà còn than: “Chúng cũ[5] bị tan rã!” A-nan! Chúng tan rã hết bởi do thầy là trẻ con, không biết trù tính.
Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Đê-xá nghe Tôn giả Ma-ha Ca-diếp quở trách Tôn giả A-nan Tỳ-đề-ha-mâu-ni[6] là trẻ con thì không hài lòng, liền nói những lời khiếm nhã:
Tại sao thầy Ma-ha Ca-diếp vốn gốc ngoại đạo mà dám dùng từ “trẻ con” quở trách thầy A-nan Tỳ-đề-ha-mâu-ni, khiến cái tên “trẻ con” lan khắp?
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp bằng thiên nhĩ nên nghe Tỳ-kheo-ni Đê-xá với tâm không hài lòng, nói ra những lời khiếm nhã như thế. Nghe xong, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nói với Tôn giả A-nan:
Thầy xem! Tỳ-kheo-ni Đê-xá với tâm bất mãn, miệng nói ra những lời khiếm nhã rằng: “Ma-ha Ca-diếp vốn gốc ngoại đạo mà dám quở trách thầy A-nan Tỳ-đề-ha-mâu-ni là trẻ con, khiến cái tên ‘trẻ con’ lan khắp.” Tôn giả A-nan đáp:
Hãy thôi! Tôn giả Ma-ha Ca-diếp! Xin ngài hãy kham nhẫn! Tôn giả Maha Ca-diếp! Bà ấy si mê, không có trí tự tánh.
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nói với A-nan:
Từ khi xuất gia đến nay, ngoài đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác ra, ta không thờ thầy nào khác. Khi chưa xuất gia, ta thường suy tư về sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não, biết rằng tại gia đa đoan, nhiều thứ phiền não, xuất gia thanh nhàn, khó để cho người thế tục sống không gia đình một bề thanh khiết, trọn cả cuộc đời thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh thanh bạch. Thế nên, ta đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, có lòng tin chân chánh, rời bỏ gia đình, xuất gia học đạo, đem cái áo giá trị trăm ngàn lượng vàng cắt ra từng mảnh, may thành y Tăng-già-lê.[7] Nghe ở thế gian có vị A-la-hán nào thì liền theo vị ấy xuất gia. Sau khi xuất gia rồi, có lần nơi tháp Đa Tử giữa thôn Na-la ở thành Vương Xá, ta nhìn thấy Thế Tôn thân ngồi ngay thẳng, tướng tốt kỳ lạ, các căn vắng lặng, tịch tĩnh bậc nhất, giống như núi vàng.
Thấy vậy rồi, ta nghĩ thế này: “Đây là Đại sư của ta, đây là Thế Tôn, đây là La-hán, đây là bậc Đẳng Chánh Giác!” Khi ấy, ta nhất tâm chắp tay kính lễ, bạch Phật rằng: “Ngài là Đại sư của con, con là đệ tử!” Đức Phật bảo: “Đúng vậy, Ca-diếp! Ta là Đại sư của ông, ông là đệ tử. Này Ca-diếp! Nay ông đã thành tựu tâm chân thật thanh tịnh như thế, thật là người đáng kính. Nếu không biết nói biết, không thấy nói thấy, chẳng phải A-la-hán nói là A-la-hán, chẳng phải Đẳng Chánh Giác nói là Đẳng Chánh Giác thì tự nhiên thân vỡ thành bảy phần. Này Ca-diếp! Do nay Ta biết nên nói biết, thấy nên nói thấy, thật A-lahán nên nói là A-la-hán, thật Đẳng Chánh Giác nên nói là Đẳng Chánh Giác. Này Ca-diếp! Nay Ta thuyết pháp cho đệ tử[8] vì có nhân duyên chứ chẳng phải không có nhân duyên, có y cứ chứ chẳng phải không có y cứ, có thần lực chứ chẳng phải không có thần lực.
Do đó, này Ca-diếp! Nếu muốn nghe pháp phải học như vầy: Khi nghe pháp nếu muốn được lợi ích thì hãy nên nhất tâm, cung kính tôn trọng, lắng lòng nghe kỹ và khởi suy nghĩ rằng: ‘Ta phải chánh quán đối với sự sanh diệt của năm uẩn;[9] sự tập khởi, diệt mất của sáu xúc nhập xứ; chánh niệm lạc trú đối với bốn niệm xứ, tu tập bảy giác phần, tự thân tác chứng tám giải thoát, thường niệm về thân, chưa từng buông bỏ,[10] lìa xa sự không biết hổ thẹn, gắng theo kịp Phạm hạnh và đức lớn của Đại sư, thường giữ tâm hổ thẹn, nên học tập như thế!’”
Bấy giờ, sau khi Thế Tôn thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho ta hoan hỷ[11] rồi, Ngài đứng dậy ra đi, ta cũng đi theo, hướng về trụ xứ. Thế rồi, ta lấy cái áo giá trị trăm ngàn lượng vàng đã cắt ra may thành y Tăng-già-lê ấy, gấp tư làm tòa. Lúc ấy, Thế Tôn biết ta chí tâm cầu đạo giải thoát nên khi ta trải y ấy làm tọa cụ, thỉnh Phật an tọa. Ngài liền ngồi xuống, lấy tay sờ y, khen rằng: “Ca-diếp! Y này nhẹ mịn, y này mềm mại.”
Ta thưa: “Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Y này nhẹ mịn, y này mềm mại, cúi xin
Thế Tôn thọ nhận y này của con.”
Đức Phật bảo: “Ông hãy nhận lấy y phấn tảo của Ta, Ta sẽ thọ nhận y Tănggià-lê của ông.”
Thế rồi, Phật liền tự tay trao y phấn tảo cho ta, ta liền dâng Phật y Tăng-giàlê. Ngài dần dần truyền dạy như vậy, trong vòng tám ngày, ta học pháp và thọ trì khất thực. Đến ngày thứ chín, ta đạt đến Vô học.
Này A-nan! Nếu có ai đến hỏi thẳng: “Ai là pháp tử của Thế Tôn, từ miệng Phật sanh ra, từ pháp hóa sanh, được giao phó gia tài Phật pháp: Các thiền, giải thoát, tam-muội chánh thọ?” thì nên đáp đó là ta, nói như thế mới đúng.
Ví như trưởng tử của Chuyển Luân Thánh Vương sẽ được thọ pháp quán đảnh, trụ nơi vương vị, thọ hưởng năm dục, không cần khổ nhọc, tự nhiên mà được. Ta cũng như thế, là pháp tử của Phật, từ miệng Phật sanh ra, từ pháp hóa sanh, được giao phó gia tài Phật pháp: Các thiền, giải thoát, tam-muội chánh thọ, không cần khổ nhọc, tự nhiên mà có.
Ví như voi báu của Chuyển Luân Thánh Vương cao bảy, tám khuỷu tay mà một chiếc lá đa-la có thể che phủ. Cũng vậy, trí lực sáu phép thần thông mà ta thành tựu cũng có thể che phủ khắp.[12] Nếu có người nào nghi ngờ về trí chứng của cảnh giới thần thông thì ta có thể vì họ phân biệt, giải nói. Nếu có người nào nghi ngờ về Thiên nhĩ, Tha tâm thông, Túc mạng trí, Sanh tử trí, Lậu tận tác chứng trí thì ta có thể vì họ phân biệt, giải nói và giúp họ xác quyết.
Tôn giả A-nan thưa:
– Đúng vậy, đúng vậy! Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-diếp! Như voi báu của Chuyển Luân Thánh Vương cao bảy, tám khuỷu tay, chỉ dùng một chiếc lá đa-la thì có thể che phủ. Cũng vậy, trí lực sáu phép thần thông mà Tôn giả Ma-ha Cadiếp thành tựu cũng có thể che phủ khắp. Nếu có người nghi ngờ về trí chứng của cảnh giới thần thông... (cho đến) Lậu tận tác chứng trí thì Tôn giả Ma-ha Ca-diếp có thể vì họ mà giải đáp, giúp họ xác quyết. Con luôn luôn kính tín, tôn trọng Ma-ha Ca-diếp vì Tôn giả có thần lực, đại đức như thế!
Khi Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nói những lời này, Tôn giả A-nan nghe xong, hoan hỷ thọ trì.[13]
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1144. 0302c13). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.119. 0417c09); S. 16.11 - II. 217.
[2] Nguyên tác: Nam Thiên Trúc (南天竺). S. 16.11 - II. 217: Dakkhiṇāgiri. Theo DPPN, Dakkhiṇāgiri là một tiểu quốc (janapada) nằm ở phía Nam thành Vương Xá (Rājagaha) thuộc nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Ma-kiệt-đà là một nước lớn ở trung tâm Ấn Độ nên còn được gọi Trung Thiên Trúc (中天竺). Nam Thiên Trúc (南天竺) là một địa danh được xác định rõ, nên HT. Thích Minh Châu dịch là Nam Sơn (Dakkhiṇāgiri). Bản dịch dùng chữ theo bản Pāli.
[3] Nguyên tác: Thỉnh tam nhân dĩ thượng chế quần thực giới (聽三人已上制群食戒). Tham chiếu: S. 16.11 - II. 217: Bhagavatā kulesu tikabhojanaṃ paññattaṃ (Thế Tôn chế định điều luật chỉ ba người ăn đối với các gia chủ), HT. Thích Minh Châu dịch.
[4] Thập tụng luật 十誦律 (T.23. 1435.36. 0260a10) nêu 2 lý do: (i) Vì mục đích bảo hộ cho người bố thí nên phải lân mẫn; (ii) Vì mục đích đánh bại thế lực của hàng Tỳ-kheo với lòng dục xấu ác, khiến chúng không thể gầy dựng chúng riêng, cử hành pháp riêng để cùng tranh đấu với chúng Tăng (一利者守護檀越, 以憐愍故; 二利者破諸惡欲比丘力勢故, 莫令惡欲人別作眾別作法與僧共諍). S. 16.11 - II. 217 nêu 3 lý do: Để ngăn chặn các người ác giới, vì sự lạc trú của các Tỷ-kheo chánh hạnh, chớ để cho ai dựa vào những ác đảng phá hoại chúng Tăng, và vì lòng từ mẫn đối với các gia đình.
[5] Nguyên tác: Túc sĩ chúng (宿士眾).
[6] Tỳ-đề-ha-mâu-ni (毘提訶牟尼, Vedehamuni): Bậc Thánh dòng Tỳ-đề-ha hoặc bậc Thánh nước Tỳ-đề-ha.
[7] Tăng-già-lê (僧伽梨, Saṅghāṭī).
[8] Nguyên tác: Thanh văn (聲聞).
[9] Nguyên tác: Ngũ ấm (五陰).
[10] Nguyên tác: Vị thường đoạn tuyệt (未甞斷絕). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.119. 0418c01): Vị tằng phóng xả (未曾放捨).
[11] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
[12] Ca-hy-na kinh 迦絺那經 (T.01. 0026.80. 0551c26) và S. 16.10 - II. 214, cũng nêu dẫn ví dụ về con voi và lá cây đa-la, nhưng có vài khác biệt trong thể thức và phương cách trình bày.
[13] Bản Hán, hết quyển 41.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.