Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 41
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp đang ngụ tại giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên,[2] thuộc nước Xá-vệ.
Vào buổi chiều, sau khi xả thiền, Tôn giả đi đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên.
Khi ấy, Thế Tôn bảo Tôn giả Ca-diếp:
Thầy nên thuyết pháp, giáo giới và khuyên dạy cho các Tỳ-kheo. Vì sao như vậy? Vì Ta thường thuyết pháp, giáo giới và khuyên dạy cho các Tỳ-kheo. Thầy cũng nên như thế.
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Ngày nay rất khó thuyết pháp, giáo giới và khuyên dạy cho các Tỳ-kheo. Nếu có Tỳ-kheo nào nghe thuyết pháp cũng không thể kham nhẫn, không hoan hỷ.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
Do nhân duyên gì mà thầy nói như vậy?
Tôn giả Ca-diếp thưa:
Thế Tôn là cội nguồn của giáo pháp, là pháp nhãn, là nơi y cứ của giáo pháp. Kính mong Ngài thuyết giảng cho chúng con! Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ và phụng hành.
Phật bảo Tỳ-kheo:
Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ giảng nói cho các thầy.
Thuở xưa, Tỳ-kheo A-lan-nhã[3] là những Tỳ-kheo sống trong rừng vắng thì khen ngợi pháp A-lan-nhã; là những Tỳ-kheo đi khất thực thì khen ngợi công đức khất thực; là những Tỳ-kheo mặc y phấn tảo thì khen ngợi công đức của y phấn tảo. Những Tỳ-kheo sống thiểu dục, tri túc, tu hạnh viễn ly, nỗ lực tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, tự thân tác chứng dứt sạch lậu hoặc... thì tùy theo sở hành của mình mà khen ngợi về sở hành đó.
Này Ca-diếp! Nếu Tỳ-kheo sống trong rừng vắng và khen ngợi pháp A-lannhã... (cho đến) Tỳ-kheo dứt sạch lậu hoặc thì khen ngợi tự thân tác chứng dứt sạch lậu hoặc. Nếu gặp những Tỳ-kheo như vậy nên trò chuyện, ân cần tiếp đón và tùy nghi thăm hỏi rằng: “Thầy tên gì? Đệ tử của ai?” Rồi nhường chỗ mời ngồi và tán thán đức hiền thiện của họ, đồng thời khen ngợi pháp thực hành của họ là đúng nghĩa Sa-môn, hợp với mong cầu của Sa-môn. Khi khen ngợi như vậy, nếu người kia đồng ý cùng ở chung, cùng đi chung, liền quyết định thuận theo sự tu tập của người đó, chắc chắn không bao lâu sẽ đạt được sự thấy biết và sở nguyện giống người kia.
Phật nói với Ca-diếp:
Nếu Tỳ-kheo trẻ tuổi gặp Tỳ-kheo A-lan-nhã đó phải đến tán thán pháp A-lan-nhã... (cho đến) gặp Tỳ-kheo đã tự thân tác chứng dứt sạch lậu hoặc, Tỳ-kheo trẻ tuổi kia phải đứng dậy nghinh tiếp, cung kính lễ bái, thưa hỏi... (cho đến) cùng ở chung với họ, không bao lâu chính mình sẽ được nhiều lợi ích. Người nào cung kính như thế mãi mãi sẽ được lợi ích an lạc.
Phật bảo Tôn giả Ca-diếp:
Ngày nay, Tỳ-kheo trẻ tuổi nào gặp vị Tỳ-kheo đại trí, đại đức có khả năng cảm hóa và có được các tài lợi như y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang liền cung kính hỏi thăm và khen ngợi rằng: “Quý hóa thay! Ngài đến đây. Ngài tên gì? Là đệ tử của ai?” Tán thán phước đức của vị ấy có thể cảm hóa được lợi lớn như y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang. Vì Tỳ-kheo này nghĩ rằng nếu ta gần gũi Tôn giả ấy thì cũng sẽ được đầy đủ những y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang.
Nếu lại có Tỳ-kheo trẻ tuổi nào gặp vị Tỳ-kheo đại trí, đại đức đi đến và biết vị ấy có khả năng cảm hóa và có được những tài lợi như y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang nên mau chóng đứng dậy nghinh đón, cung kính thăm hỏi và khen ngợi: “Thật quý thay! Bậc đại trí, đại đức, có thể cảm hóa và có được lợi lớn về y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang.”
Này Ca-diếp! Tỳ-kheo trẻ tuổi nào có tâm như vậy thì luôn luôn bị đau khổ, không có lợi ích. Thật vậy, này Ca-diếp! Những Tỳ-kheo đó là mầm bệnh của Sa-môn, là sự chìm đắm của Phạm hạnh, là sự chướng ngại lớn lao, là pháp ác, bất thiện, là tai họa của phiền não, kết thêm các pháp hữu lậu nên bị sanh tử thiêu đốt, ở đời tương lai phải chịu nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não.
Thế nên, này Ca-diếp, phải học tập như vầy: Nên khen ngợi, xưng tán những Tỳ-kheo A-lan-nhã ở trú xứ a-lan-nhã, mặc y phấn tảo, đi khất thực, ít muốn biết đủ, tu hạnh viễn ly, siêng năng tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh trí, tự thân tác chứng dứt sạch lậu hoặc, nên học tập như thế.
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Ca-diếp nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1140. 0301a20). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.115. 0415c18); S. 16.8 - II. 208.
[2] Đông Viên Lộc Tử Mẫu giảng đường (東園鹿子母講堂). Xem chú thích 121, kinh số 58, quyển 2, tr. 62; Tạp. 雜 (T.02. 0099.58. 0014b12).
[3] A-luyện-nhã (阿練若, Arañña) còn gọi là A-lan-nhã, nghĩa là không tranh chấp, không ồn ào, vắng lặng, nhàn tịnh, rừng vắng, núi sâu,...
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.