Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 41
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp đang ngụ tại giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên,[2] thuộc nước Xá-vệ.
Vào buổi chiều, sau khi xả thiền, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Khi ấy, Thế Tôn bảo Tôn giả:
Thầy nên thuyết pháp, giáo giới và khuyên dạy cho các Tỳ-kheo. Vì sao như vậy? Vì Ta thường thuyết pháp, giáo giới và khuyên dạy cho các Tỳ-kheo. Thầy cũng nên như thế.
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Đời nay rất khó khuyên dạy các Tỳ-kheo, bởi vì họ không kham nhẫn lắng nghe lời dạy bảo.
Phật bảo Ma-ha Ca-diếp:
Do nhân duyên gì mà thầy nói như vậy?
Ca-diếp bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Con thấy có hai Tỳ-kheo, đó là Bàn-trù[3] đệ tử của A-nan và A-phù-tỳ[4] đệ tử của Đại Mục-kiền-liên. Hai Tỳ-kheo ấy cùng tranh luận về sự học rộng biết nhiều, họ nói: “Thầy hãy đến luận nghị với tôi để xem ai hiểu biết nhiều hơn? Hiểu biết của ai thù thắng hơn?”
Lúc ấy, Tôn giả A-nan đang cầm quạt, quạt hầu sau Phật, liền nói với Tôn giả Ca-diếp:
Thưa Tôn giả Ca-diếp! Hãy thôi đi! Tôn giả Ca-diếp! Hãy nhẫn đi. Các Tỳ-kheo trẻ này trí tuệ cạn mỏng, tầm thường.
Tôn giả Ca-diếp nói với A-nan:
A-nan thầy nên im lặng, chớ để tôi đem việc thầy ra hỏi giữa chúng Tăng!
Tôn giả A-nan liền im lặng.
Bấy giờ, đức Phật bảo một Tỳ-kheo:
Thầy hãy đi đến chỗ Tỳ-kheo Bàn-trù và A-phù-tỳ nói rằng: “Đại sư truyền gọi hai thầy!”
Tỳ-kheo ấy vâng lời Phật, đi đến chỗ hai Tỳ-kheo kia nói rằng: “Đại sư truyền gọi hai thầy!”
Tỳ-kheo Bàn-trù và A-phù-tỳ đáp: “Kính vâng!” Rồi liền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài và ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi hai Tỳ-kheo:
Có phải là hai thầy đã cùng tranh luận với nhau để xem ai hiểu biết nhiều hơn? Hiểu biết của ai thù thắng hơn phải không?
Hai Tỳ-kheo bạch Phật:
Thật đúng như vậy, bạch Thế Tôn!
Đức Phật bảo:
Các thầy có đem những pháp mà Như Lai đã dạy như Khế kinh,41 Trùng tụng,[5] Thọ ký,[6] Cô khởi,[7] Tự thuyết,[8] Nhân duyên,[9] Thí dụ,[10] Bổn sự,[11] Bổn sanh,[12] Phương quảng,[13] Vị tằng hữu,[14] Luận nghị[15] để tranh luận với nhau xem ai hiểu biết nhiều, ai hiểu biết thù thắng hơn không?
Hai Tỳ-kheo bạch Phật:
Thưa không, bạch Thế Tôn!
41 Nguyên tác: Tu-đa-la (修多羅, Sutta): Khế kinh (契經).
Đức Phật hỏi hai vị Tỳ-kheo:
Như vậy là các thầy không đem những Khế kinh... (cho đến) Luận nghị của Ta đã nói để tự điều phục, tự chấm dứt và tự cầu Niết-bàn phải không?
Hai Tỳ-kheo bạch Phật:
Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn!
Đức Phật bảo:
Các thầy đã biết Ta nói những Khế kinh... (cho đến) Luận nghị, vậy mà hai thầy là những người si mê nên mới tranh luận ai hiểu biết nhiều, ai hiểu biết hơn.
Bấy giờ, hai Tỳ-kheo ấy liền đến trước đức Phật đảnh lễ sát chân Ngài và bạch rằng:
Kính bạch Thế Tôn! Chúng con xin sám hối! Kính bạch Thiện Thệ! Chúng con xin sám hối! Chúng con vì mê muội, không khéo nhận biết nên mới tranh luận với nhau.
Phật bảo hai Tỳ-kheo:
Các thầy đã thành thật hối lỗi vì đã mê muội không khéo nhận biết mà tranh luận với nhau. Nay các thầy đã tự biết có tội, tự thấy có tội, tự thấy biết và sám hối rồi thì trong đời vị lai, luật nghi giới của các thầy sẽ sanh khởi. Nay Như Lai thương xót chấp thuận sự sám hối, là vì muốn cho hai thầy tăng trưởng thiện pháp trọn đời không suy giảm. Vì sao như vậy? Bởi vì người nào tự biết có tội, tự thấy có tội, tự thấy biết và sám hối tội thì trong đời vị lai, luật nghi giới của người ấy sẽ sanh khởi, thiện pháp tăng trưởng không bao giờ suy giảm.
Hai vị Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy đã hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1138. 0300b09). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.113. 0415a05); Tăng. 增 (T.02. 0125.31.11. 0673a01); S. 16.6 - II. 203.
[2] Đông Viên Lộc Tử Mẫu giảng đường (東園鹿子母講堂). Xem chú thích 121, kinh số 58, quyển 2, tr. 62; Tạp. 雜 (T.02. 0099.58. 0014b12).
[3] Bàn-trù (槃稠, Bhaṇḍa).
[4] A-phù-tỳ (阿浮毘, Abhijika).
[5] Nguyên tác: Kỳ-dạ (祇夜, Geyya): Thể kệ lặp lại nội dung đoạn kinh trước, gọi là “Trùng tụng” (重頌) hoặc “Ứng tụng” (應頌).
[6] Thọ ký (受記, Veyyākaraṇa): Thể loại này lúc ban đầu được đức Phật dùng để xác định hoặc giải thích giáo pháp, về sau nhằm xác định quả vị tu chứng của hàng đệ tử, còn gọi là “Thọ quyết” (授決), “Thọ ký” (授記), “Ký biệt” (記別)...
[7] Nguyên tác: Già-đà (伽陀, Gāthā): Thể loại kinh văn thể hiện thông qua thi kệ như Kinh Pháp cú, Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ,...
[8] Nguyên tác: Ưu-đà-na (優陀那, Udāna): Tự thuyết (自說), Vô vấn tự thuyết (無問自說).
[9] Nguyên tác: Ni-đà-na (尼陀那, Nidāna): Nhân duyên. Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.033. 0307b05): Ni-đà-na nghĩa là giáo pháp mà chư Phật nói vốn phát khởi từ nhân duyên. Do nhân duyên gì mà Phật nói về việc đó. Do có người hỏi nên nói việc này. Theo Luật tạng, vì có người phạm lỗi này nên đã kiết giới đó. Tất cả lời dạy của đức Phật đều phát khởi từ nhân duyên nên gọi là Ni-đà-na (尼陀那者, 說諸佛法本起因緣, 佛何因緣說此事. 有人問故說是事. 毘尼中有人犯是事, 故結是戒. 一切佛語緣起事皆名尼陀那).
[10] Nguyên tác: A-ba-đà-na (阿波陀那, Avadāna): Thí dụ (譬喻), là thể tài kinh điển dùng ví dụ để chứng minh, còn gọi là “Soạn lục” (撰録).
[11] Nguyên tác: Y-đế-mục-đa-già (伊帝目多伽, Itivuttaka): Bổn sự (本事) còn gọi là “Thiên bổn” (天本), “Bổn mạt” (本末), “Bổn khởi” (本起).
[12] Nguyên tác: Xà-đà-già (闍多伽, Jātaka): Bổn sanh (本生), cũng gọi là “Sanh kinh” (生經), “Sanh xứ” (生處), “Bổn duyên” (本緣).
[13] Nguyên tác: Tỳ-phú-la (毘富羅, Vedalla): Phương quảng (方廣), cũng gọi là “Quảng kinh” (廣經), “Phương đẳng” (方等), “Quảng giải” (廣解).
[14] Nguyên tác: A-phù-đa-đạt-ma (阿浮多達摩, Abbhutadhamma), chỉ cho thể loại giáo pháp vô cùng hy hữu và bất khả tư nghì.
[15] Nguyên tác: Ưu-ba-đề-xá (優波提舍, Upadesa), là thể tài kinh điển nhằm mở rộng nghĩa lý từ những lời dạy cô đọng của đức Phật, còn được gọi là “Quảng diễn” (廣演), “Quảng phổ” (廣普), “Luận nghị” (論議), “Thuyết nghĩa” (說義).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.