Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 40
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại giảng đường Trùng Các, bên ao Di Hầu, thuộc nước Tỳ-xá-ly.
Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch:
Kính bạch Thế Tôn! Do nhân gì, duyên gì mà Thích-đề-hoàn-nhân được gọi là Thích-đề-hoàn-nhân?
Phật nói với Tỳ-kheo:
Thích-đề-hoàn-nhân xưa kia khi còn làm người đã luôn hết lòng bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người nghèo nàn, khốn khổ, người đi ăn xin bên đường đầy đủ mọi thứ từ thức ăn thức uống, tiền bạc, ngũ cốc, vải vóc, hoa hương, cho đến những vật dụng trang nghiêm, giường nằm, đèn đuốc. Nhờ siêng năng làm những việc này cho nên được gọi là Thích-đề-hoàn-nhân.
Tỳ-kheo lại bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Do nhân gì, duyên gì mà Thích-đề-hoàn-nhân còn được gọi là Phú-lan-đà-la?[2]
Đức Phật nói với Tỳ-kheo:
Thích-đề-hoàn-nhân xưa kia khi còn làm người thường bố thí y phục, thức ăn thức uống,... (cho đến) đèn đuốc. Nhờ nhân duyên này cho nên được gọi là Phú-lan-đà-la.
Tỳ-kheo lại bạch Phật:
Do nhân gì, duyên gì mà Thích-đề-hoàn-nhân còn gọi là Ma-già-bà?[3]Phật nói với Tỳ-kheo:
Xưa kia khi còn làm người, Thích-đề-hoàn-nhân có tên là Ma-già-bà, do đó Ma-già-bà là tên cũ của Thích-đề-hoàn-nhân.
Tỳ-kheo lại bạch Phật:
Do nhân gì, duyên gì lại có tên là Sa-bà-bà?[4]Phật bảo Tỳ-kheo:
Thích-đề-hoàn-nhân xưa kia khi còn làm người luôn biết bố thí cúng dường áo Bà-tiên-tư, do nhân duyên này cho nên Thích-đề-hoàn-nhân còn được gọi là Sa-bà-bà.
Tỳ-kheo lại bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Do nhân gì, duyên gì mà Thích-đề-hoàn-nhân còn được gọi là Kiêu-thi-ca?[5]Phật nói với Tỳ-kheo:
Thích-đề-hoàn-nhân xưa kia khi còn làm người là người của dòng tộc Kiêu-thi. Do nhân duyên này nên Thích-đề-hoàn-nhân còn gọi là Kiêu-thi-ca.
Tỳ-kheo lại hỏi Phật:
Do nhân gì, duyên gì mà Thích-đề-hoàn-nhân còn được gọi là Xá-chibát-đê?[6]
Phật bảo Tỳ-kheo:
Vì nữ a-tu-la tên Xá-chi là đệ nhất phu nhân của Thiên Đế-thích. Do vậy mà Đế-thích còn gọi là Xá-chi-bát-đê.
Tỳ-kheo bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Do nhân gì, duyên gì mà Thích-đề-hoàn-nhân còn được gọi là Thiên Nhãn?[7]Phật nói với Tỳ-kheo:
Vì Thích-đề-hoàn-nhân xưa kia khi còn làm người thì đã thông minh trí tuệ, ngồi một chỗ mà nghĩ ra hàng ngàn nghĩa lý, khéo quan sát, ước lượng. Do nhân duyên này nên Thiên Đế-thích còn gọi là Thiên Nhãn.
Tỳ-kheo bạch Phật:
Do nhân gì, duyên gì mà Thích-đề-hoàn-nhân còn gọi là Nhân-đề-lợi?[8]Phật nói với Tỳ-kheo:
Thiên Đế-thích kia là vua, là chủ ở cõi trời Ba Mươi Ba. Do nhân duyên này nên Thiên Đế-thích còn gọi là Nhân-đề-lợi.
Phật lại nói với Tỳ-kheo:
Xưa kia khi còn làm người, Thích-đề-hoàn-nhân đã thọ trì bảy giới cấm. Do nhân duyên này nên được làm Thiên Đế-thích. Là bảy giới cấm nào? Xưa kia khi còn làm người, Thích-đề-hoàn-nhân luôn biết phụng dưỡng cha mẹ... (cho đến) thường hành bố thí rộng khắp, đây là bảy giới cấm. Vì nhân duyên này nên được làm trời Đế-thích.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ... (nói đầy đủ giống như bài kệ trên).
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1106. 0290c20). Tham chiếu: .02. 0100.35. 0384c11); S. 11.12 - I. 229.
[2] Phú-lan-đà-la (富蘭陀羅, Purindada). S. 11.12 - I. 229: Pure dānaṃ adāsi tasmā purindado'ti vuccati (Vị ấy thường bố thí từ thành này qua thành khác, do vậy được tên là Purindada), HT. Thích Minh Châu dịch.
[3] Ma-già-bà (摩伽婆, Maghavā). Theo S. 11.12 - I. 229: “Thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy là một thanh niên Bà-la-môn tên là Magha, do vậy được gọi là Maghavā” (HT. Thích Minh Châu dịch).
[4] Sa-bà-bà (娑婆婆, Vāsavo): “Khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí trú xứ, do vậy được tên là Vāsavo” (HT. Thích Minh Châu dịch).
[5] Kiêu-thi-ca (憍尸迦, Kosiya, Kosika).
[6] Xá-chi-bát-đê (舍脂鉢低, Sujampatī). Theo S. 11.12 - I. 229: “Sakka trở thành người chồng của một thiếu nữ a-tu-la tên là Sujā, do vậy được tên là Sujampati” (HT. Thích Minh Châu dịch).
[7] Thiên Nhãn (千眼, Sahassakkha hay Sahassaneta). Theo S. 11.12 - I. 229: “Khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy có thể trong một thời gian rất ngắn suy nghĩ đến ngàn sự việc, do vậy được tên là Sahassa akkha (Ngàn Con Mắt)” (HT. Thích Minh Châu dịch).
[8] Nhân-đề-lợi (因提利). S. 11.12 - I. 229: Issariyādhipacca (Tự Tại chủ).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.