Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 40

1117. NGÀY TRAI GIỚI[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Vào ngày mồng tám mỗi tháng, bốn vị Đại Thiên vương lệnh cho các đại thần đi xem xét trong nhân gian để xem có người nào biết phụng dưỡng cha mẹ, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, kính trọng thân tộc, làm các phước đức hay không; xem có người nào thấy việc ác đời này lo sợ tội báo đời sau nên bố thí làm phước, giữ gìn trai giới hay không; xem có người nào thọ giới và Bố-tát vào những ngày mồng tám, mười bốn, ngày rằm mỗi tháng và cả ngày lễ đặc biệt[2] hay không?

Đến ngày mười bốn lại sai thái tử xuống xem xét nhân gian, xem có người nào biết phụng dưỡng cha mẹ... (cho đến) thọ giới, Bố-tát không?

Đến ngày rằm thì bốn vị Đại Thiên vương đích thân xuống thế gian xem xét chúng sanh để biết những người nào có tâm phụng dưỡng cha mẹ... (cho đến) thọ giới, Bố-tát không?

Này các Tỳ-kheo! Lúc ấy, thế gian không có nhiều người phụng dưỡng cha mẹ... (cho đến) thọ giới, Bố-tát. Bấy giờ, bốn vị Đại Thiên vương đến giảng đường Tập Pháp[3] ở cõi trời Ba Mươi Ba, thưa với Thiên Đế-thích:

“Thiên vương biết cho, hiện nay thế gian không có nhiều người biết phụng dưỡng cha mẹ... (cho đến) thọ giới, Bố-tát.”

Thiên chúng cõi trời Ba Mươi Ba nghe như vậy thì không vui, liền nói với nhau:

“Người thế gian bây giờ không hiền, không thiện, không tốt, không có phép tắc, không có hạnh chân thật, không phụng dưỡng cha mẹ... (cho đến) thọ giới, Bố-tát. Vì tội ấy nên chúng chư thiên suy giảm và chúng a-tu-la càng ngày càng tăng thêm.”

Này các Tỳ-kheo! Lúc ấy, nếu thế gian có nhiều người phụng dưỡng cha mẹ... (cho đến) thọ giới, Bố-tát thì bốn vị Thiên vương sẽ đến giảng đường Tập Pháp ở cõi trời Ba Mươi Ba bạch [với] Thiên Đế-thích:

“Thiên vương nên biết, thế gian ngày nay có nhiều người phụng dưỡng cha mẹ... (cho đến) thọ giới, Bố-tát.”

Chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba nghe như vậy, trong lòng vui mừng và nói với nhau:

“Ngày nay, con người ở thế gian đều hiền thiện, chân thật như pháp, có nhiều người phụng dưỡng cha mẹ... (cho đến) thọ giới, Bố-tát. Nhờ phước đức này nên chúng a-tu-la sẽ giảm, chúng chư thiên tăng thêm.”

Bấy giờ, Thiên Đế-thích biết các chúng chư thiên đều vui mừng liền nói kệ:

Mọi người vào mồng tám,
Ngày mười bốn hay rằm,
Và ngày lễ đặc biệt,
Trọ trì tám trai giới,
Như ta đã tu hành,
Họ cũng tu như vậy.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

– Thiên Đế-thích kia đã nói kệ như vầy:

Mọi người vào mồng tám,
Ngày mười bốn hay rằm,
Và ngày lễ đặc biệt,
Trọ trì tám trai giới,
Như ta đã tu hành,
Họ cũng tu như vậy.

Nhưng bài kệ này chưa phải khéo nói. Vì sao như vậy? Vì Thiên Đế-thích vẫn còn tham, sân, si nên chưa thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não. Nếu Tỳ-kheo A-la-hán nào các lậu đã dứt hết, việc cần làm đã làm xong, các gánh nặng đã đặt xuống, đoạn các hữu kiết sử, tâm giải thoát hoàn toàn[4] thì nói bài kệ như vầy:

Mọi người vào mồng tám,
Ngày mười bốn hay rằm,
Và ngày lễ đặc biệt,
Thọ trì tám trai giới,
Như ta đã tu hành,
Họ cũng tu như vậy.

Nói như vậy mới là khéo nói. Vì sao như vậy? Vì Tỳ-kheo A-la-hán đã lìa tham, sân, si, đã thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não, thế nên bài kệ này mới là khéo nói.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1117. 0295c10). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.46. 0389a10); Tăng. 增 (T.02. 0125.24.6. 0624b19); S. 10.5 - I. 209; A. 3.37 - I. 142; A. 3.38 - I. 143.

[2] Nguyên tác: Thần biến nguyệt (神變月, pāṭihāriyapakka), còn gọi là “thần thông đoan ứng nguyệt” (神通瑞應月); “thần túc nguyệt” (神足月). Pāṭihāriya nghĩa là thần biến; pakkha có nghĩa là nửa tháng, vừa có nghĩa là dự hội. S. 10.5 - I. 209: Pāṭihāriyapakkhañca (cả ngày lễ đặc biệt), HT. Thích Minh Châu dịch. Cú ngữ này được giải thích rất đa dạng. Theo Đại Đường Tây Vức ký 大唐西域記 (T.51. 2087.08. 0918b12) gọi là “đại thần biến nguyệt” (大神變月), rơi vào ngày 30 tháng 12, so với lịch Trung Hoa đó là ngày 15 tháng Giêng (每歲至如來大神變月滿之日, 出示眾 (即印度十二月三十日, 當此正月十五日也). Tục Cao Tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.4. 0451a06) cũng khẳng định điều tương tự. Ngoài ra, SnA. 405, Dhammikasuttavaṇṇanā giải thích rằng: Pāṭihāriyapakkhañcāti ettha pana vassūpanāyikāya purimabhāge āsāḷhamāso, antovassaṃ tayo māsā, kattikamāsoti ime pañcamāsā ‘‘pāṭihāriyapakkho’’ti vuccanti (Hơn nữa ở đây, vào thời điểm trước mùa mưa ở tháng Sáu (āsāḷha), từ tháng mùa mưa đó đến tháng Mười (kattika), 5 tháng đó gọi là “pāṭihāriyapakkha”).

[3] Tập Pháp giảng đường (集法講堂, Sudhamma sabhā) cũng gọi là Thiện Pháp đường (善法堂) hay Chánh Pháp đường (正法堂).

[4] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.