Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 40

1114. HẠNH TINH TẤN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Vào thời quá khứ, vua a-tu-la muốn đánh nhau với chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba nên dấy khởi bốn loại quân, gồm quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ. Lúc ấy, Thiên Đế-thích nghe vua a-tu-la dẫn bốn loại quân, gồm quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ muốn đến gây chiến. Thích-đề-hoàn-nhân liền bảo thiên tử Tú-tỳ-lê:36

“Ông biết chăng, a-tu-la đem bốn loại quân, gồm quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ muốn đến gây chiến với chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba. Ông hãy ra lệnh cho chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba đem bốn loại quân, gồm quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ để chiến đấu với quân a-tu-la.”

Bấy giờ, thiên tử Tú-tỳ-lê vâng lệnh Thiên Đế-thích trở về thiên cung, nhưng lơ là biếng nhác, không nỗ lực chuẩn bị binh chủng. Khi quân a-tu-la tiến đến đường lộ, Thiên Đế-thích nghe báo như vậy, lại nói với thiên tử Tú-tỳ-lê:

“Quân a-tu-la đã tiến ra đường lộ, ông hãy cấp tốc ra lệnh dẫn bốn loại quân chiến đấu với a-tu-la.”

Thiên tử Tú-tỳ-lê vâng lệnh Thiên Đế-thích trở về thiên cung, nhưng vẫn lơ là biếng nhác. Khi ấy, quân của vua a-tu-la đã tiến đến gần. Thích-đề-hoànnhân nghe quân a-tu-la đã đến gần, lại nói với thiên tử Tú-tỳ-lê:

“Ông có biết chăng? Quân a-tu-la đã gần kề, hãy cấp tốc ra lệnh chư thiên huy động bốn binh chủng.”

Bấy giờ, thiên tử Tú-tỳ-lê liền nói kệ:

Nếu có nơi thanh nhàn,[2]
An vui và giải thoát,
Có được nơi như vậy,
Không làm cũng không lo,
Hãy cho tôi nơi ấy,
Để tôi được an ổn.

Lúc ấy, Thiên Đế-thích nói kệ đáp:

Nếu có nơi thanh nhàn,
An vui và giải thoát,
Có được nơi như vậy,
Không làm cũng không lo,
Nếu ông được nơi ấy,
Hãy dẫn tôi đến đó.

Thiên tử Tú-tỳ-lê lại nói kệ:

Nơi nào không siêng năng,
Được thanh nhàn, an lạc,
Nếu ai được nơi này,
Không làm cũng không lo,
Hãy cho tôi nơi ấy,
Để tôi được an vui.

Lúc ấy, Thiên Đế-thích lại nói kệ đáp:

Nơi nào không siêng năng,
Được thanh nhàn, an lạc,
Nếu ai được nơi này,
Không làm cũng không lo,
Nếu ông được nơi ấy,
Hãy dẫn tôi đến đó.

Thiên tử Tú-tỳ-lê lại nói kệ:

Nơi nào không buông lung,
Được an lạc, thanh nhàn,
Nếu ai được nơi này,
Không làm cũng không lo,
Hãy cho tôi nơi ấy,
Để tôi được an vui.

Lúc ấy, Thiên Đế-thích lại nói kệ đáp:

Nơi nào không buông lung,
Được an lạc, thanh nhàn,
Nếu ai được chỗ này,
Không làm cũng không lo,
Nếu ông được nơi ấy,
Hãy dẫn tôi đến đó.

Tú-tỳ-lê lại nói kệ:

Lười biếng không chỗ nhàn,
Không biết làm, đã làm,
Quây quần bên dục lạc,
Nên cho ta nơi ấy.

Lúc ấy, Thiên Đế-thích lại nói kệ đáp:

Lười biếng không thanh nhàn,
Được cứu cánh an lành,
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa tôi đến đó.

Thiên tử Tú-tỳ-lê lại nói kệ:

Vô sự được an vui,
Không làm cũng không lo,
Hãy cho ta nơi ấy,
Để ta được an vui.

Lúc ấy, Thiên Đế-thích lại nói kệ đáp:

Nếu ông thấy hoặc nghe,
Chúng sanh không làm gì,
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa tôi đến đó.
Nếu ông sợ việc làm,
Hãy nhanh chóng trừ sạch,
Chẳng nghĩ đến hữu vi,
Là đường tắt Niết-bàn.

Thiên tử Tú-tỳ-lê nghe xong, liền nhanh chóng chuẩn bị bốn loại quân gồm quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ rồi chiến đấu và đánh tan quân chúng a-tu-la. Chư thiên chiến thắng trở về thiên cung.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Thích-đề-hoàn-nhân dẫn bốn loại quân chiến đấu với a-tu-la, nhờ siêng năng tinh tấn nên thắng trận.

Này các Tỳ-kheo! Thích-đề-hoàn-nhân là vua của cõi trời Ba Mươi Ba, ung dung tự tại mà vẫn thường siêng năng tinh tấn, cũng thường khen ngợi đức tính tinh cần. Tỳ-kheo các thầy đã chánh tín xuất gia, sống không gia đình, làm người học đạo, cũng phải thường siêng năng tinh tấn và khen ngợi sự tinh cần.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1114. 0294a14). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.43. 0387c21); S. 11.1 - I. 216. 36 Tú-tỳ-lê (宿毘梨, Suvīra).

[2] Nguyên tác: Bất khởi (不起): Không náo động (指不出動). S. 11.1 - I. 216: Anuṭṭhahaṃ, tức là na + uṭṭhahati, nghĩa là không phấn chấn, không phấn khởi. Trang Xuân Giang dịch anuṭṭhahaṃ là “bất phấn khởi” (不奮起). Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.43. 0388a05) dùng thể khẳng định: Thanh nhàn (清閑). Bản Việt dịch y cứ vào Biệt dịch Tạp A-hàm. 38 Phương tiện (方便, vāyāma): Sự nỗ lực.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.