Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 39

1082. UNG NHỌT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Sau khi khất thực xong, Thế Tôn trở về tinh xá, rửa chân rồi vào rừng An-đà tọa thiền.

Khi ấy, cũng vào sáng sớm, có một Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, vị ấy trở về tinh xá, rửa chân rồi vào rừng An-đà, đến bên gốc cây để ngồi nghỉ trưa. Lúc Tỳ-kheo đang ngồi nghỉ trưa thì khởi lên ý niệm bất thiện, xấu xa, tâm bị tham dục chi phối.

Bấy giờ, có vị thiên thần đang ở tại rừng An-đà suy nghĩ: “Tỳ-kheo này thật xấu xa, không tốt, ngồi thiền trong rừng An-đà mà khởi lên ý niệm bất thiện, tâm bị tham dục chi phối. Ta nên đến quở trách thầy ấy.” Nghĩ thế rồi, thiên thần liền đến nói với Tỳ-kheo:

_ Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Thầy đang nổi ung nhọt phải không?

Tỳ-kheo đáp:

_ Nếu chữa trị thích đáng thì sẽ lành!

Thiên thần nói với Tỳ-kheo:

_ Ung nhọt trầm trọng[2] như thế thì làm sao mà chữa lành?

Tỳ-kheo đáp:

_ Chánh niệm, tỉnh giác thì có thể chữa lành!

Thiên thần khen:

_ Tốt lắm! Hay lắm! Đây là phương pháp chữa bệnh chân thật của Hiền thánh. Chữa bệnh ung nhọt theo phương pháp này thì cuối cùng bệnh sẽ khỏi và không còn tái phát nữa.

Chiều hôm ấy, sau khi xả thiền, Thế Tôn trở về vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, rồi vào trong Tăng chúng, trải tòa ngồi trước đại chúng và nói với các Tỳ-kheo:

_ Sáng nay Như Lai đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Sau khi khất thực xong, Như Lai trở về rừng An-đà ngồi thiền nhập định buổi trưa. Bấy giờ, cũng có một Tỳ-kheo sau khi đi khất thực xong, thầy ấy trở về rừng An-đà, đến bên gốc cây ngồi nghỉ trưa, nhưng Tỳ-kheo ấy lại khởi lên ý niệm bất thiện, tâm bị tham dục chi phối. Lúc ấy, vị thiên thần đang cư trú trong rừng An-đà liền đến nói với Tỳ-kheo: “Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Thầy đang nổi ung nhọt phải không?”... (nói đầy đủ như bài kinh trên, cho đến) “Này Tỳ-kheo! Tốt lắm! Hay lắm! Đây là phương pháp chữa bệnh chân thật của Hiền thánh.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Người bị nổi ung nhọt,
Tự sanh bao khổ đau,
Thế gian mãi mong cầu,
Tâm sa đà tham dục.
Bởi vì sanh ung nhọt,
Nên ruồi nhặng đến bu,
Ái dục là ung nhọt,
Niệm xấu là ruồi nhặng.
Tâm bất thiện, tham dục,
Thảy đều từ ý sanh,
Đục khoét tâm con người,
Để cầu hoa danh lợi.
Lửa dục luôn bùng cháy,
Vọng tưởng, niệm chẳng lành,
Thân tâm mãi suy hao,
Xa lìa đạo tịch tĩnh.
Nếu nội tâm tịch tĩnh,
Trí tuệ tất chiếu soi,
Không còn ung nhọt kia,
Thấy Phật, đường an ổn.
Theo đường bậc Chánh sĩ,
Hiền thánh khéo nêu bày,
Trí sáng rõ đường ngay,
Không còn bị sanh tử.[3]

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 .02. 0099.1082. 0283b27). Tham chiếu: .02. 0100.21. 0380c01).

[2] Nguyên tác: Thiết hoạch (鐵鑊): Chảo sắt. Trong những khí cụ nấu nướng thời cổ đại, đồ dùng có chân gọi là “đảnh” (鼎), không có chân gọi là “hoạch” (鑊). Ung nhọt lở loét như cái chảo là thủ pháp ngoa dụ nhằm chỉ cho bệnh trạng rất trầm trọng.

[3] Nguyên tác: Chư hữu (諸有): Các cõi hữu, tức các cảnh giới trong ba cõi, từ địa ngục đến Phi tưởng phi phi tưởng.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.