Viện Nghiên Cứu Phật Học
QUYỂN 39

1099. PHÁP QUÁN BÌNH ĐẲNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ trong làng của dòng họ Thích, tên Thích Thạch Chủ.

Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo tập trung tại nhà cúng dường để cùng may y.

Lúc đó, Ma Ba-tuần suy nghĩ: “Nay Sa-môn Cù-đàm đang ngụ trong làng Thạch Chủ của dòng họ Thích, có rất nhiều Tỳ-kheo đang tập trung tại nhà cúng dường để cùng may y. Ta nên đến đó để gây chướng ngại.”

Thế rồi Ma Ba-tuần liền biến thành một thanh niên Bà-la-môn, vấn búi tóc to, mặc áo da thú, tay cầm gậy cong, đi đến nhà cúng dường, đứng im lặng trước chúng Tỳ-kheo. Một lát sau, thanh niên nói với các Tỳ-kheo:

_ Các ông tuổi trẻ xuất gia, da trắng, tóc đen, đang trẻ trung sung sức, lẽ ra nên hưởng thụ năm dục, trang điểm vui chơi, vì cớ gì mà phải rời xa bà con thân thích, để họ phải khóc lóc chia lìa rồi xuất gia học đạo và tin vào đời sống không gia đình? Tại sao lại từ bỏ niềm vui hiện tại để tìm cầu niềm vui không hợp thời ở trong đời khác?

Các Tỳ-kheo nói với thanh niên Bà-la-môn:

_ Chúng tôi không từ bỏ niềm vui hiện tại để tìm cầu niềm vui không hợp thời ở trong đời khác mà chính là từ bỏ niềm vui không đúng thời để thành tựu niềm vui hiện tại.

Ma Ba-tuần lại hỏi:

_ Thế nào là từ bỏ niềm vui không đúng thời để thành tựu niềm vui hiện tại?

Các Tỳ-kheo trả lời:

_ Như lời Thế Tôn dạy, niềm vui của đời vị lai thì vui ít mà khổ nhiều, lợi ít mà hại nhiều. Giáo pháp Thế Tôn, thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu.[2] Này Bàla-môn! Đây gọi là niềm vui hiện tại.

Khi ấy, thanh niên Bà-la-môn không nói nên lời, lắc đầu ba lần rồi chống gậy biến mất.

Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo sợ hãi, toàn thân nổi gai ốc, đều tự hỏi: “Đó là hạng Bà-la-môn gì mà đến đây rồi chợt biến mất?”

Thế rồi, các Tỳ-kheo bèn đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi lui ngồi một bên và bạch:

_ Kính bạch Thế Tôn! Khi Tỳ-kheo chúng con đang ở nhà cúng dường để cùng may y thì có một thanh niên Bà-la-môn đầu bện búi tóc lớn, đi đến chỗ chúng con mà nói rằng: “Các ông tuổi trẻ xuất gia... (nói đầy đủ như trên, cho đến) không nói nên lời, lắc đầu ba lần rồi chống gậy biến mất.” Chúng con cảm thấy sợ hãi, toàn thân nổi gai ốc và tự hỏi: “Đó là hạng Bà-la-môn gì mà đến đây rồi chợt biến mất?”

Phật nói với các Tỳ-kheo:

_ Người này chẳng phải là Bà-la-môn mà là Ma Ba-tuần muốn đến nhiễu loạn các thầy.

Rồi Thế Tôn liền nói kệ:

Các khổ não sanh khởi,
Thảy đều từ ái dục,
Rõ đời là gươm nhọn,
Ai lại còn ham thích?
Biết thế gian hữu dư,
Đều là mũi gươm nhọn,
Thế nên người trí tuệ,
Phải luôn tự điều phục.
Tích chứa nhiều vàng ròng,
Bằng như ngọn Tuyết Sơn,
Riêng một người thọ dụng,
Cũng vẫn không biết đủ,
Thế nên người trí tuệ,
Phải tu quán bình đẳng

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

[1] .02. 0099.1099. 0289a08). Tham chiếu: . 4.21 - I. 117.

[2] Nguyên tác: Thế Tôn thuyết hiện thế lạc giả, ly chư xí nhiên, bất đãi thời tiết, năng tự thông đạt, ư thử quán sát, duyên tự giác tri (世尊說現世樂者, 離諸熾然, 不待時節, 能自通達, 於此觀察, 緣自覺知). Xem chú thích 59, kinh số 550, quyển 20, tr. 610; Tạp. 雜 (T.02. 0099.550. 0143b18).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.