Viện Nghiên Cứu Phật Học
QUYỂN 39

1094. KHỔ HẠNH[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngồi nơi gốc cây Bồ-đề, bên bờ sông Ni-liên-thiền, tại làng Uất-tỳ-la, khi Ngài vừa thành đạo.

Bấy giờ, Thế Tôn một mình ở nơi yên vắng chuyên tâm thiền định tư duy và khởi lên ý niệm: “Nay Ta đã giải thoát khổ hạnh.[2] Tốt lành thay! Nay Ta đã khéo giải thoát khổ hạnh! Trước kia tu theo chí nguyện chân chánh, ngày nay được quả Vô thượng Bồ-đề.”

Khi ấy, Ma Ba-tuần suy nghĩ: “Hiện tại Sa-môn Cù-đàm vừa mới thành đạo, đang ngồi nơi cội Bồ-đề, bên bờ sông Ni-liên-thiền, xứ Uất-tỳ-la. Bây giờ, ta nên đến đó để gây chướng ngại.” Ma Ba-tuần biến thành một thanh niên, đến trước Phật rồi nói bài kệ:

Pháp tu đại khổ hạnh,
Hay khiến được thanh tịnh,
Nay ngược lại bỏ đi,
Đến đây để cầu gì?
Muốn cầu tịnh tại đây,
Cũng không thể được tịnh.

Bấy giờ, Thế Tôn nghĩ rằng: “Ma Ba-tuần này muốn quấy nhiễu Ta” nên Ngài liền nói kệ:

Biết các đường khổ hạnh,
Thảy đều là vô nghĩa,
Hoàn toàn không lợi ích,
Như cung chỉ có tiếng.
Con đường giới, định, tuệ,
Ta đã tu tập qua,
Được thanh tịnh bậc nhất,
Tịnh ấy không gì hơn.

Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đã biết rõ tâm ta” nên trong lòng lo lắng, buồn rầu rồi lập tức biến mất.

***

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1094. 0287c21). Tham chiếu: S. 4.1 - I. 103. 30 Khổ hạnh (苦行, dukkarakārikā), ở đây chỉ cho 6 năm khổ hạnh của Phật.

[2] Khổ hạnh (苦行, dukkarakārikā), ở đây chỉ cho 6 năm khổ hạnh của Phật

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.