Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngồi nơi gốc cây Bồ-đề, bên bờ sông Ni-liên-thiền, tại làng Uất-tỳ-la,[2] khi Ngài vừa thành đạo.
Bấy giờ, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm vừa thành đạo chưa bao lâu, đang ngồi nơi gốc cây Bồ-đề, bên bờ sông Ni-liên-thiền, tại làng Uất-tỳ-la.
Ta nên đến đó để gây chướng ngại.”
Thế rồi, Ma Ba-tuần hóa thành một thanh niên, đến trước Phật mà nói kệ:
Một mình vào chỗ vắng,
Thiền định và tư duy,
Bỏ tiền tài, đất nước,
Đến đây để cầu gì?
Nếu cầu lợi nơi làng,
Sao không gần gũi người?
Đã chẳng gần gũi người,
Rốt cuộc nào được gì?
Bấy giờ, Thế Tôn suy nghĩ: “Ma Ba-tuần muốn quấy nhiễu Ta” nên Ngài liền nói kệ:
Đã được tài lợi lớn,
Biết đủ, vui tịch diệt,
Hàng phục bọn quân ma,
Không đắm nhiễm sắc dục.
Ngồi một mình thiền định,
Nếm vị thiền diệu lạc,
Vì thế không quanh quẩn,
Gần gũi với mọi người.
Ác ma lại nói kệ:
Cù-đàm nếu tự biết,
Đường Niết-bàn an ổn,
Riêng vui với vô vi,
Sao gượng giáo hóa người?
Phật lại nói kệ đáp:
Chẳng phải chỗ ngươi cấm,
Người đến hỏi bờ kia,
Thì Ta đáp chân chánh,
Giúp họ được Niết-bàn.
Khi không còn buông lung,
Tự tại, không theo ma.
Ma lại nói kệ:
Tảng đá giống mỡ đặc,
Chim chóc bay đến ăn,
Cuối cùng chẳng được vị,
Chỉ trầy mỏ trở về,
Nay ta cũng như thế,
Uổng phí, về thiên cung.
Thiên ma nói xong, trong lòng lo lắng, buồn rầu, tâm sanh hối hận, cúi đầu sát đất và lấy ngón tay vẽ lên đất.
Ma Ba-tuần có ba cô con gái. Người thứ nhất tên là Ái Dục, người thứ hai tên Ái Niệm, người thứ ba tên Ái Lạc. Họ cùng đến bên cha mình và nói kệ:
Cha đang buồn chuyện gì?
Người sao lại buồn lo,
Con sẽ dùng dây ái
Trói họ như điều voi,
Lôi đến trước mặt cha,
Để tùy cha sai khiến
Ma Ba-tuần đáp lại lời các con gái:
Vị ấy đã lìa ái,
Không dục nào kéo lôi,
Đã ra khỏi cảnh ma,
Thế nên ta lo buồn.
Khi ấy, ba cô gái này từ thân phóng ra ánh lửa sáng rực, giống như những tia chớp trong mây, cùng đi đến chỗ Phật, cúi lạy sát chân Phật rồi đứng qua một bên và bạch Phật:
– Nay con trở về dưới chân Thế Tôn, muốn được hầu hạ, xin Ngài sai bảo.
Bấy giờ, Thế Tôn không hề quay lại nhìn. Biết Như Lai lìa các ái dục, tâm giải thoát hoàn toàn[3] nhưng các ma nữ vẫn tiếp tục cầu thỉnh lần thứ hai rồi lần [thứ] ba như trên. Lúc này, ba ma nữ kia bàn với nhau:
– Con người có nhiều sở thích ái dục khác nhau. Bây giờ, mỗi người trong chúng ta sẽ biến hóa thành một trăm thiếu nữ trẻ đẹp, một trăm thiếu nữ xinh đẹp mới lấy chồng, một trăm phụ nữ xinh đẹp chưa sanh con, một trăm phụ nữ xinh đẹp đã sanh con, một trăm phụ nữ xinh đẹp trung niên, một trăm phụ nữ xinh đẹp đứng tuổi. Biến hóa ra nhiều hình dáng như vậy rồi chúng ta cùng đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm và nói rằng: “Hôm nay, hết thảy chúng con đều quay về dưới chân Thế Tôn, muốn được hầu hạ, xin Ngài sai bảo.”
Bàn với nhau xong, các ma nữ liền biến hóa đủ các dáng vẻ như trên đã nói rồi cùng đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân Ngài rồi đứng qua một bên và bạch:
– Kính bạch Thế Tôn! Chúng con hôm nay trở về dưới chân Ngài, muốn được hầu hạ, xin Ngài sai bảo.
Bấy giờ, Thế Tôn cũng không hề để tâm đến vì pháp của Như Lai là lìa các ái dục.
Sau khi lặp lại lời này ba lần rồi thì các ma nữ lại nói với nhau:
– Nếu người nào chưa lìa dục, khi trông thấy dung nhan xinh đẹp của chúng ta thì tâm ý sẽ mê loạn, tâm dục dấy khởi, lòng ngực bức bách, máu nóng xông lên mặt. Tuy nhiên, hôm nay Sa-môn Cù-đàm không hề để mắt đến chúng ta, chứng tỏ Như Lai đã lìa dục, được giải thoát, tâm đã giải thoát hoàn toàn. Bây giờ, mỗi người chúng ta sẽ dùng kệ để hỏi Sa-môn Cù-đàm.
Thế rồi ba cô ma nữ lại đến trước Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi đứng qua một bên. Ma thiên nữ Ái Dục nói kệ:
Thiền định nơi yên vắng,
Lìa của cải ở đời,
Bỏ lợi thế gian rồi,
Nay còn muốn cầu gì?
Nếu cầu lợi nơi làng,
Sao không gần gũi người?
Đã chẳng gần gũi người,
Rốt cuộc nào được gì?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Đã được tài lợi lớn,
Biết đủ, vui tịch diệt,
Hàng phục bọn quân ma,
Không đắm nhiễm sắc dục.
Vì thế không quanh quẩn,
Gần gũi với mọi người.
Ma thiên nữ Ái Niệm lại nói kệ:
Siêng tu pháp thiền gì,
Để vượt dòng năm dục?
Lại dùng phương tiện gì,
Vượt qua biển thứ sáu?
Làm sao tu thiền định,
Dứt các dục sâu dày,
Để qua được bờ kia,
Không bị ái níu giữ?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Thân được lạc vắng lặng,
Tâm được khéo giải thoát,
Vô vi, không tạo tác,
Chánh niệm chẳng dao động.
Biết rõ tất cả pháp,
Không khởi các loạn tưởng,
Ái, sân hận, ngủ nghỉ,
Tất cả đều đã lìa.
Như vậy, siêng tu tập,
Sẽ thoát khỏi năm dục,
Và dòng biển thứ sáu,
Được qua đến bờ kia.
Tu tập thiền như vậy,
Giữa các dục rộng sâu,
Sẽ qua được bờ kia,
Không bị chúng níu giữ.
Ma thiên nữ Ái Lạc lại nói kệ:
Đã đoạn trừ ân ái,
Và dục kiết sâu dày,
Người nhiều đời tịnh tín,
Sẽ qua được biển dục.
Mở ra trí tuệ sáng,
Vượt qua ải thần chết.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp lại:
Phương tiện lớn, độ khắp,
Vào giới pháp Như Lai,
Tất cả đều được độ,
Người trí còn lo gì?
Bấy giờ, ba thiên nữ vẫn chưa thỏa mãn chí nguyện, quay về chỗ người cha Ma Ba-tuần. Từ xa nhìn thấy các con gái đi đến, Ma Ba-tuần liền nói kệ trêu chọc:
Này ba đứa các con,
Tự khoe mình đủ giỏi,
Toàn thân phóng lửa sáng,
Như lằn chớp trong mây.
Đến chỗ Đại Tinh Tấn,
Tự khoe nhan sắc mình,
Nhưng lại bị phá tan,
Như gió lùa tơ mỏng.
Dùng móng tay phá núi,
Dùng răng cắn viên sắt,
Hay muốn dùng tóc, tơ,
Để di chuyển núi lớn?
Đối với bậc giải thoát,
Mà mong não loạn tâm,
Khác gì cột chân gió,
Làm trăng rơi giữa trời,
Dùng tay khuấy biển lớn,
Phà hơi động Tuyết Sơn.
Với bậc đã giải thoát,
Lại muốn khiến dao động,
Khác gì giữa biển cả,
Mà tìm đất đặt chân.
Phật đối với tất cả,
Thảy hòa hợp giải thoát,
Trong biển lớn Chánh giác,
Không tìm thấy dao động.
Ma Ba-tuần trêu chọc ba cô con gái xong rồi liền biến mất.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1092. 0286b22). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.31. 0383a19); S. 4.25 - I. 124. 26 Uất-tỳ-la (欝鞞羅, Uruvelā).
[2] Uất-tỳ-la (欝鞞羅, Uruvelā).
[3] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.