Viện Nghiên Cứu Phật Học
QUYỂN 39

1091. TÔN GIẢ CÙ-ĐÊ-CA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ trong hang đá, núi Tỳ-bà-la, rừng Thất Diệp Thọ, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, có Tôn giả Cù-đê-ca[2] đang ở trong hang Đá Đen, bên núi Tiên Nhân,[3] thuộc thành Vương Xá.

Cù-đê-ca tu tập thiền định một mình, sống không buông lung, tự thân được nhiều lợi ích và chứng được nhất thời tâm giải thoát[4] nhưng rồi bị thoái thất tâm ấy nhiều lần.[5] Một lần rồi hai, ba, bốn, năm, sáu lần thoái thất, xong lại chứng được nhất thời tâm giải thoát, chứng được rồi lại thoái thất.

Tôn giả Cù-đê-ca suy nghĩ: “Ta sống một mình tu tập thiền định, không hề buông lung, tinh cần tu tập, tự thân được nhiều lợi ích, chứng được nhất thời tâm giải thoát, nhưng rồi bị thoái thất tâm ấy nhiều lần. Một lần... cho đến sáu lần, cứ chứng được rồi lại thoái thất. Nay ta nên dùng dao tự sát,[6] chớ để thoái chuyển lần thứ bảy.”

Lúc ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đang ở trong hang đá, bên núi Tỳ-bà-la, rừng Thất Diệp Thọ, thành Vương Xá. Ông ta có đệ tử là Cù-đêca đang ở trong hang Đá Đen, bên núi Tiên Nhân, thành Vương Xá. Cù-đê-ca sống một mình tu tập thiền định, chuyên tinh tư duy, chứng được nhất thời tâm giải thoát, nhưng rồi bị thoái thất đến sáu lần. Cù-đê-ca đang suy nghĩ: ‘Ta đã sáu lần thoái thất, cứ thoái thất rồi lại chứng. Ta chớ để bị thoái thất lần thứ bảy. Nay ta nên dùng dao tự sát, chớ để thoái chuyển lần thứ bảy.’ Nếu Tỳ-kheo ấy dùng dao tự sát thì ta không để thầy ấy tự sát mà thoát khỏi cảnh giới ma của ta. Bây giờ, ta sẽ đến báo với Đại sư của ông ấy.”

Bấy giờ, Ma Ba-tuần cầm cây đàn tỳ-bà bằng lưu ly đi đến chỗ Thế Tôn, vừa khảy đàn vừa nói kệ:

Đại trí, đại phương tiện,
Tự tại, thần lực lớn,
Có đệ tử sáng chói,
Nhưng nay muốn tự sát,
Mâu-ni nên ngăn lại,
Chớ để thầy ấy chết.
Nghe đâu đệ tử Phật,
Theo học Chánh pháp, Luật,
Đã hành nhưng chẳng ngộ,
Nên muốn chết cho xong?

Ma Ba-tuần nói kệ xong, Thế Tôn liền dùng kệ đáp:

Ba-tuần, loài phóng dật,
Vì lợi mình mà đến,
Bậc đầy đủ kiên cố,
Thường trụ diệu thiền định.
Ngày đêm luôn tinh tấn,
Không nghĩ đến tánh mạng,
Thấy ba cõi đáng sợ,
Mà dứt ái dục kia.
Đã hàng phục quân ma,
Cù-đê-ca Niết-bàn.
Tâm Ba-tuần buồn lo,[7]
Tỳ-bà rơi xuống đất,
Trong lòng đầy ưu sầu,
Liền biến mất chẳng hiện.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các thầy hãy cùng Ta đến hang Đá Đen, bên núi Tiên Nhân để xem Tỳ-kheo Cù-đê-ca dùng dao tự sát.

Thế rồi Thế Tôn cùng nhiều Tỳ-kheo đi đến hang Đá Đen, bên núi Tiên Nhân. Nhìn thấy Tỳ-kheo Cù-đê-ca đã tự sát nằm trên đất, Phật liền hỏi các Tỳ-kheo:

– Các thầy có thấy Tỳ-kheo Cù-đê-ca tự sát, thi thể nằm trên đất không?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Chúng con đã thấy.

Thế Tôn lại hỏi các Tỳ-kheo:

– Các thầy có thấy quanh thi thể Tỳ-kheo Cù-đê-ca bốc khói đen đầy khắp bốn phía không?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Chúng con đã thấy.

Phật lại nói với các Tỳ-kheo:

– Đây là Ác ma Ba-tuần ở bên thi thể của Cù-đê-ca, đang quanh quẩn để tìm thần thức. Nhưng Tỳ-kheo Cù-đê-ca cầm dao tự sát với tâm không chỗ trụ.

Khi ấy, Thế Tôn thọ ký cho Tỳ-kheo Cù-đê-ca chứng đắc A-la-hán.[8]

Bấy giờ, Ma Ba-tuần nói kệ:

Dạo khắp hết các phương,
Để tìm thần thức kia,
Nhưng chẳng thấy tung tích,
Cù-đê-ca về đâu?

Thế Tôn lại nói kệ:

Bậc kiên cố như vậy,
Chẳng thể tìm thấy thức,
Đã nhổ sạch gốc ái,
Cù-đê Bát-niết-bàn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1091. 0286a02). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.30. 0382c09); S. 4.23 - I. 120.

[2] Cù-đê-ca (瞿低迦, Godhika).

[3] Nguyên tác: Tiên Nhân sơn, Hắc Thạch thất (仙人山, 黑石室, Isigilipassa, Kālasilā).

[4] Thời thọ ý giải thoát (時受意解脫, sāmayikaṃ cetovimuttiṃ) còn gọi là “thời giải thoát” (時解脫), chỉ cho tâm giải thoát nhất thời, giải thoát trong tạm thời, chưa phải là giải thoát hoàn toàn, chưa phải là giải thoát rốt ráo, chưa phải là bậc A-la-hán. Nội dung kinh rõ ràng như thế nhưng các bộ luận giải thích khác nhau về trường hợp này. Xem thêm về “thoái pháp A-la-hán” trong Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.3. 0081a27); A-tỳ-đạt-ma Thuận chánh lý luận 阿毘達磨順正理論 (T.29. 1562.68. 0714a27); A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận 阿毘達磨俱舍論 (T.29. 1558.25. 0129a22).

[5] Theo Tạp A-tỳ-đàm Tâm luận 雜阿毘曇心論 (T.28. 1552.5. 0912a15), bậc A-na-hàm có 6 loại, gồm: Thoái pháp chủng tánh, Tư pháp, Hộ pháp, Trụ pháp, Thăng tấn pháp và Bất động pháp chủng tánh (退法種性, 思法, 護法, 住法, 昇進法, 不動法種性).

[6] Theo Thanh tịnh kinh 清淨經 (T.01. 0001.17. 0075b16), một bậc A-la-hán không làm 9 việc mà điều đầu tiên là không giết hại (一者不殺). Theo kinh, nếu như Tôn giả Cù-đê-ca tự sát thì trước thời điểm này Tôn giả chưa phải là bậc A-la-hán.

[7] Bốn câu kệ cuối này là nội dung của kinh văn, không phải lời kệ của Thế Tôn.

[8] Thọ đệ nhất ký (受第一記). Xem chú thích 66, kinh số 302, quyển 12, tr. 362; Tạp. 雜 (T.02. 0099.302. 0086a04).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.