Viện Nghiên Cứu Phật Học
QUYỂN 39

1090. NGỦ AN ỔN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ trong hang đá, núi Tỳ-bà-la, rừng Thất Diệp Thọ,[2] thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, vào lúc giữa đêm, Thế Tôn trở dậy ra chỗ đất trống, lúc thì tọa thiền lúc thì kinh hành. Đến cuối đêm, Ngài rửa chân và trở vào thất, nằm yên nghỉ ngơi, nghiêng hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, buộc niệm vào tưởng ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, nghĩ tưởng đến lúc thức dậy.

Lúc ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đang ngụ trong hang đá, núi Tỳ-bà-la, rừng Thất Diệp Thọ, thuộc thành Vương Xá. Bấy giờ, vào lúc giữa đêm, ông ta trở dậy ra nơi đất trống, lúc thì tọa thiền lúc thì kinh hành. Đến cuối đêm, ông ta rửa chân và trở vào thất, nằm yên nghỉ ngơi, nghiêng hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, buộc niệm vào tưởng ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, nghĩ tưởng đến lúc thức dậy. Bây giờ, ta sẽ đến để gây chướng ngại.”

Thế rồi Ác ma liền biến thành một thanh niên đến đứng trước Phật mà nói kệ:

Ông vì tôi mà ngủ?
Hay là vì đời sau?
Có nhiều tiền, của báu,
Cớ sao chọn rừng sâu?
Một mình không bè bạn,
Rồi ngủ nghỉ dài lâu?

Lúc này, Thế Tôn suy nghĩ: “Ác ma Ba-tuần muốn quấy nhiễu Ta” nên Ngài liền nói kệ:

Không vì ông mà ngủ,
Chẳng phải vì đời sau,
Cũng không nhiều của cải,
Chỉ gom báu Vô ưu.
Vì thương xót thế gian,
Nên nằm nghiêng hông phải,
Thức cũng không nghi hoặc,
Ngủ cũng chẳng hãi hùng.
Bất luận ngày hay đêm,
Không tăng cũng không giảm,
Thương chúng sanh nên ngủ,
Nên không tổn giảm gì.
Dù dùng trăm mũi nhọn,
Xuyên thân và khuấy động,
Ta vẫn ngủ an ổn,
Vì đã lìa gươm đao.

Bấy giờ, Ma Ba-tuần suy nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đã biết rõ tâm niệm của ta” nên trong lòng lo lắng, buồn rầu rồi lập tức biến mất.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1090. 0285c06). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.29. 0382b14); S. 4.13 - I. 245.

[2] Thất Diệp Thọ (七葉樹, Sattapaṇṇi): Loại cây thân gỗ, lá kép giống như bàn tay, do 7 phiến lá nhỏ hợp thành nên gọi là Thất Diệp. Trước hang núi Vebhāra (Tỳ-bà-la) có những cây này nên gọi là hang Thất Diệp.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.