Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 39

1081. HẠT MẦM HƯ THỐI[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Vườn Nai, thuộc nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Ba-la-nại khất thực. Lúc ấy cũng có một Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành khất thực rồi dừng lại bên gốc cây ven đường và khởi lên ý niệm bất thiện, bị tham dục chi phối.

Bấy giờ, Thế Tôn quán thấy Tỳ-kheo kia đứng bên gốc cây mà khởi lên ý niệm bất thiện, bị tham dục chi phối nên Ngài liền nói:

_ Này Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Ông chớ nên gieo mầm hư thối, để rồi bốc mùi xú uế, rỉ nước tanh hôi. Nếu Tỳ-kheo gieo mầm hư thối, để rồi bốc mùi xú uế, rỉ nước tanh hôi mà mong ruồi nhặng không tranh nhau bu lại thì điều này thật không thể.

Lúc đó, vị Tỳ-kheo ấy suy nghĩ: “Thế Tôn biết được ý niệm xấu trong tâm ta” nên thầy ấy cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, toàn thân sởn gai ốc rồi lặng lẽ bước đi.

Bấy giờ, sau khi vào thành khất thực xong, Thế Tôn trở về tinh xá cất y bát, rửa chân rồi vào phòng tọa thiền. Chiều hôm ấy, sau khi xả thiền, Ngài vào trong Tăng chúng, trải tòa ngồi trước đại chúng và nói với các Tỳ-kheo:

_ Sáng nay Như Lai đắp y, ôm bát vào thành khất thực, thấy một Tỳ-kheo đứng bên gốc cây mà khởi lên ý niệm bất thiện, bị tham dục chi phối. Thấy vậy, Như Lai liền nói: “Này Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Ông chớ nên gieo mầm hư thối, để rồi bốc mùi xú uế, rỉ nước tanh hôi. Nếu Tỳ-kheo gieo mầm hư thối, để rồi bốc mùi xú uế, rỉ nước tanh hôi mà mong ruồi nhặng không tranh nhau bu lại thì điều này thật không thể.” Lúc đó, Tỳ-kheo kia tự nghĩ: “Phật đã biết được tâm niệm của ta” nên cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, sởn gai ốc rồi lặng lẽ bước đi.

Khi ấy, có một Tỳ-kheo khác từ chỗ ngồi đứng lên, sửa lại y phục, bày vai bên phải và chắp tay bạch Phật:

_ Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là hạt mầm hư thối? Thế nào là bốc mùi xú uế? Thế nào là rỉ nước tanh hôi? Thế nào là ruồi nhặng?

Phật nói với Tỳ-kheo:

_ Sân hận, oán hờn gọi là hạt mầm hư thối. Đắm nhiễm năm dục gọi là bốc mùi xú uế. Không khéo nhiếp luật nghi khi sáu căn tiếp xúc sáu trần[2] gọi là rỉ nước tanh hôi. Đã không khéo nhiếp luật nghi khi sáu căn tiếp xúc sáu trần thì các tâm xấu ác, bất thiện như tham lam, lo buồn... tranh nhau sanh khởi, đây gọi là ruồi nhặng.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Không phòng hộ tai, mắt,
Tham dục từ đó sanh,
Đây gọi là mầm thối,
Rỉ nước bốc mùi tanh.
Khí, vị, các giác quan,
Bị tham dục chi phối,
Thôn xóm hay rừng vắng,
Ban ngày hoặc ban đêm.
Sống Phạm hạnh, viễn ly,
Vượt khổ đau hoàn toàn,
Nếu nội tâm tịch tịnh,
Thấu rõ được sự thật.
Thức ngủ thường lạc an,
Ruồi nhặng đều biến mất,
Thân cận bậc Chánh sĩ,
Khéo nói đạo Hiền thánh,
Rõ Thánh đạo tám phần,
Không trở lại thọ thân.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1081. 0283a20). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.20. 0380b02); A. 3.128 - I. 279.

[2] Nguyên tác: Lục xúc nhập xứ (六觸入處). Sáu căn tiếp xúc 6 trần sanh ra 6 thức gọi là 6 xúc nhập xứ.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.