Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 38

1070. TỲ-KHEO TRẺ TUỔI[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo đang tập trung tại giảng đường để cùng may y. Lúc đó, có một Tỳ-kheo trẻ tuổi, xuất gia chưa bao lâu, mới vào trong Chánh pháp và Giới luật nhưng không muốn phụ giúp các Tỳ-kheo khác may y.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Chúng Tỳ-kheo tập trung tại giảng đường để cùng may y, có một vị Tỳ-kheo trẻ tuổi, xuất gia chưa bao lâu, mới vào trong Chánh pháp và Giới luật nhưng không muốn phụ giúp các Tỳ-kheo khác may y.

Bấy giờ, Thế Tôn liền hỏi Tỳ-kheo kia:

_ Có thật thầy không muốn phụ giúp các Tỳ-kheo khác may y chăng?

Vị Tỳ-kheo kia thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Tùy theo khả năng của con mà con phụ giúp.

Thế Tôn khi đó biết được tâm niệm của Tỳ-kheo trẻ tuổi kia, mới bảo chúng Tỳ-kheo rằng:

_ Các thầy chớ nói gì về Tỳ-kheo trẻ tuổi này nữa. Vì sao như vậy? Vì Tỳ-kheo này đã chứng đắc và thể nhập bốn tâm tăng thượng,[2] có được an lạc ngay trong hiện tại mà không cần cố gắng. Mục đích cốt yếu của vị ấy chính là cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, rời nhà học đạo, tăng tiến tu học, ngay trong hiện tại tự biết, tự chứng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ:

Chẳng thể kém nỗ lực,
Đức mỏng, thiếu trí tuệ,
Mà thẳng hướng Niết-bàn,
Thoát khỏi gông phiền não.
Hiền nhân trẻ tuổi này,
Sớm được chỗ Thượng sĩ,
Lìa dục, tâm giải thoát,
Niết-bàn, dứt tái sanh,
Giữ thân tối hậu này,
Hàng phục chúng ma quân.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1070. 0277c19). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.9. 0376a15); S. 21.4 - II. 277.

[2] Nguyên tác: Tứ tăng thượng tâm pháp (四增心法). Theo Hoàng Lô viên kinh 黃蘆園經 (T.01. 0026.157. 0679c10-c27), 4 tâm tăng thượng này tương ứng với 4 thiền.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.