Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 38

1063. CHỚ XÉT ĐOÁN NGƯỜI KHÁC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Khi ấy, có vị Tỳ-kheo kia do hình tướng thô xấu khó coi nên thường bị các Tỳ-kheo khác khinh chê, đi đến chỗ Phật. Bấy giờ, bốn chúng đang vây quanh Thế Tôn trông thấy Tỳ-kheo kia đi vào, họ đều sanh khởi ý tưởng xem thường, liền hỏi nhau: “Tỳ-kheo kia là ai mà vừa từ ngoài vào đây, do hình tướng xấu xí khó coi nên bị người khác khinh chê như vậy?”

Khi ấy, Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ-kheo, liền bảo:

_ Các thầy có thấy Tỳ-kheo kia mới đến đây, do hình tướng thô xấu khó coi nên bị người khác khinh chê không?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

_ Thưa vâng, chúng con đã thấy!

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

_ Các thầy chớ khởi ý tưởng khinh thường vị Tỳ-kheo ấy. Vì sao như thế? Vì Tỳ-kheo ấy đã hết sạch các lậu, việc cần làm đã làm xong, đã từ bỏ gánh nặng, đoạn các hữu kiết sử,[2] có chánh trí, tâm hoàn toàn giải thoát.[3] Này các Tỳ-kheo! Các thầy chớ tùy tiện xét đoán người khác, chỉ có Như Lai mới có thể xét đoán được người mà thôi.

Rồi vị Tỳ-kheo ấy đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

_ Các thầy có thấy Tỳ-kheo này cung kính đảnh lễ rồi ngồi sang một bên chăng?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

_ Thưa vâng, chúng con đã thấy!

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

_ Các thầy chớ sanh khởi ý tưởng khinh thường vị Tỳ-kheo này. Vì sao như thế? Vì Tỳ-kheo này đã hết sạch các lậu... (cho đến) các thầy chớ xét đoán người khác, chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ con người mà thôi.

Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ:

Chim bay và thú chạy,
Đều sợ hãi sư tử,
Sư tử, vua loài thú,
Chẳng loài nào dám hơn.
Cũng thế, người trí tuệ,
Tuy nhỏ mà lại lớn,
Chớ xét thân tướng họ,
Mà sanh tâm khinh thường.
Đâu cần thân to lớn,
Mập mạnh mà vô trí,
Bậc Hiền, tuệ thù thắng,
Chính là bậc Thượng sĩ.
Lìa dục, đoạn kiết sử,
Niết-bàn, dứt tái sanh,
Giữ thân tối hậu này,
Hàng phục chúng ma quân.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành. 

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1063. 0276a22). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.2. 0374a19); S. 21.6 - II. 279; J. II. 142, Keḷisīlajātaka (Chuyện tánh nghịch ngợm), số 202.

[2] Hữu kiết (有結): Kiết sử hay phiền não đưa đến luân hồi sanh tử qua các cõi.

[3] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.