Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 38
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, có Tỳ-kheo kia cuối đêm ra sông Tháp-bổ, cởi y phục để trên bờ rồi xuống sông tắm gội. Tắm xong lên bờ, khoác sơ y vào, đợi thân khô ráo.
Khi ấy, có một thiên thần thân phóng ánh sáng chiếu khắp sông Tháp-bổ rồi bảo Tỳ-kheo rằng:
_ Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Đây là gò mối,[2] ban đêm bốc khói, ban ngày lửa cháy. Bà-la-môn kia thấy rồi liền nói rằng: “Này người trí, muốn phá bỏ gò mối này thì phải dùng gươm đao để đào lên.”[3]
Lại thấy con rùa lớn, Bà-la-môn thấy rồi liền nói rằng: “Này người trí, hãy bỏ qua con rùa lớn này và dùng gươm đao rồi tiếp tục đào.”
Lại thấy có tấm thảm, Bà-la-môn thấy rồi liền nói rằng: “Này người trí, hãy bỏ qua tấm thảm này và dùng gươm đao rồi tiếp tục đào.”
Lại thấy có khúc thịt, Bà-la-môn thấy rồi liền nói rằng: “Này người trí, hãy bỏ qua khúc thịt này và dùng gươm đao rồi tiếp tục đào.”
Lại thấy có chỗ chết chóc, Bà-la-môn thấy rồi liền nói rằng: “Này người trí, hãy bỏ qua chỗ chết chóc này và dùng gươm đao rồi tiếp tục đào.”
Lại thấy có lăng-kỳ,[4] Bà-la-môn thấy rồi liền nói rằng: “Này người trí, hãy bỏ qua lăng-kỳ này và dùng gươm đao rồi tiếp tục đào.”
Lại thấy có hai con đường, Bà-la-môn thấy rồi liền nói rằng: “Này người trí, hãy bỏ qua hai con đường này và dùng gươm đao rồi tiếp tục đào.”
Lại thấy có cánh cửa, Bà-la-môn thấy rồi liền nói rằng: “Này người trí, hãy bỏ qua cánh cửa này và dùng gươm đao rồi tiếp tục đào.”
Lại thấy có rồng lớn, Bà-la-môn thấy rồi liền nói rằng: “Hãy dừng lại! Chớ bỏ qua rồng lớn mà phải nên cung kính.”
Này Tỳ-kheo! Ông hãy đem đạo lý này đến hỏi Thế Tôn, như lời Phật dạy, ông theo đó thọ trì. Vì sao như thế? Ngoài Như Lai ra, tôi chưa thấy chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn nào nơi thế gian mà có tâm vui thích đối với đạo lý này. Nếu các đệ tử nghe những điều tôi nói thì sau đó có thể nói lại.
Sau khi vị Tỳ-kheo nghe luận này từ thiên thần ấy, liền đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài, ngồi sang một bên rồi đem các luận của thiên thần kia mà hỏi Thế Tôn:
_ Bạch Thế Tôn! Thế nào là “gò mối”? Thế nào là “ban đêm bốc khói”? Thế nào là “ban ngày lửa cháy”? Thế nào là “Bà-la-môn”? Thế nào là “đào lên”? Thế nào là “người trí”? Thế nào là “gươm đao”? Thế nào là “con rùa lớn”? Thế nào là “tấm thảm”? Thế nào là “khúc thịt”? Thế nào là “chỗ chết chóc”? Thế nào là “lăng-kỳ”? Thế nào là “hai đường”? Thế nào là “cánh cửa”? Thế nào là “rồng lớn”?
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
_ Gò mối tức là thân thể chúng sanh, sắc thân ấy được tạo thành từ bốn đại thô phù, tinh cha huyết mẹ, thức ăn, y phục, che chở, tắm rửa, trau chuốt, nuôi dưỡng; hết thảy đều là pháp biến hoại, tan rã.
Ban đêm bốc khói nghĩa là có người ban đêm thức dậy, tùy giác tùy quán.[5]Ban ngày lửa cháy nghĩa là thực hành theo lời dạy, thân tạo tác, miệng tạo tác.
Bà-la-môn nghĩa là đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác.
Đào lên nghĩa là nỗ lực tinh tấn.
Người trí nghĩa là vị Thánh đệ tử đa văn.
Gươm đao nghĩa là gươm đao trí tuệ.
Con rùa lớn nghĩa là năm triền cái.
Tấm thảm nghĩa là phẫn hận.
Khúc thịt nghĩa là bỏn xẻn, ganh ghét.
Chỗ chết chóc nghĩa là năm loại dục.
Lăng-kỳ nghĩa là vô minh.
Hai đường nghĩa là nghi hoặc.
Cánh cửa nghĩa là ngã mạn.
Con rồng lớn nghĩa là bậc A-la-hán lậu tận.
Như thế, này Tỳ-kheo! Những gì Đại sư làm cho các Thanh văn đều vì thương xót, bi mẫn, lợi ích, an ủi. Đối với thầy, Ta đã làm như vậy. Tỳ-kheo các thầy phải làm những việc cần làm, nghĩa là hãy ở nơi vắng vẻ, trong rừng, nhà trống, núi non, hang núi mà trải cỏ hoặc lá cây làm chỗ ngồi, tư duy thiền định, không khởi buông lung, chớ để sau này phải hối hận. Đó gọi là vâng theo lời Ta dạy.
Rồi đức Phật liền nói kệ:
Nói thân là gò mối,
Giác quán, đêm bốc khói,
Ban ngày lửa nghiệp cháy,
Bà-la-môn, Chánh Giác.
Siêng tinh tấn, đào lên,
Người trí tuệ sáng suốt,
Dùng gươm bén trí tuệ,
Bậc thăng tiến nhàm chán.
Năm triền cái: Rùa to,
Phẫn hận là tấm thảm,
Bỏn xẻn là khúc thịt,
Năm dục, chỗ chết chóc.
Vô minh là lăng-kỳ,
Nghi hoặc là hai đường,
Cánh cửa, hiện ngã mạn,
Rồng, La-hán lậu tận,
Cứu cánh, dứt các luận,
Nên Ta nói như thế.
Đức Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy liền hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1079. 0282a22). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.18. 0379c03); Tăng. 增 (T.02. 0125.39.9. 0733b12); Nghĩa dụ kinh 蟻喻經 (T.01. 0095. 0918b21); M. 23, Vammika Sutta (Kinh gò mối).
[2] Nguyên tác: Khâu trủng (丘塚, vammika).
[3] Nguyên tác: Phát quật giả trí, trì dĩ đao kiếm (發掘者智, 持以刀劍). M. 23, Vammika Sutta (Kinh gò mối):‘Abhikkhaṇa, sumedha, satthaṃ ādāyā’ti (Này kẻ trí, hãy cầm gươm và đào lên), HT. Thích Minh Châu dịch. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.9. 0733b15): Có Bà-la-môn bảo người có trí rằng: “Bây giờ, ông hãy cầm dao đào núi. Khi đào núi, chắc chắn sẽ gặp gánh nặng ông hãy nhấc nó lên, rồi tiếp tục đào núi.” (婆羅門語智者曰: 汝今持刀鑿山, 當鑿山時, 必當見有負物, 當拔濟之). Đoạn kinh này có tham chiếu các bản kinh tương đương để sắp xếp lại cấu trúc câu.
[4] Lăng-kỳ (楞耆). Theo Phiên Phạn ngữ 翻梵語 (T.54. 2130.10. 1052b07), “lăng-kỳ” (楞耆) được dịch là “sắc” (楞耆, 譯曰色也).
[5] Tùy giác tùy quán (隨覺隨觀, anuvitakketi anuvicāreti).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.