Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 38

1078. THIÊN THẦN HỎI ĐẠO[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, trời vừa hừng sáng, có vị Tỳ-kheo kia ra sông Tháp-bổ,[2] cởi y phục để trên bờ, xuống sông tắm gội. Tắm xong lên bờ, khoác sơ y vào, đợi thân khô ráo.

Khi ấy, có một thiên thần thân tỏa ánh sáng chiếu khắp sông Tháp-bổ, nói với Tỳ-kheo rằng:

_ Ông còn trẻ mà xuất gia, trong lúc da trắng tóc đen, thanh xuân tươi đẹp, nên hưởng thụ năm dục, trang nghiêm chuỗi ngọc, xoa dầu thơm, đeo tràng hoa, vui thú khoái lạc năm dục, chứ sao lại quay lưng với người thân khiến họ khóc lóc biệt ly, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, với niềm tin chân chánh, rời xa gia đình, xuất gia học đạo? Sao lại bỏ niềm vui hiện tại mà tìm cái lợi xa vời như thế?

Tỳ-kheo đáp:

_ Tôi không bỏ niềm vui hiện tại để tìm niềm vui xa vời. Thật ra tôi nay đang bỏ niềm vui xa vời để được niềm vui hiện tại.

Thiên thần hỏi Tỳ-kheo:

_ Thế nào là bỏ niềm vui xa vời để được niềm vui hiện tại?

Tỳ-kheo đáp:

_ Như Thế Tôn dạy, dục là phi pháp, vui ít khổ nhiều, lợi ít hại nhiều. Tôi ngay trong hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, tự mình thông đạt, hiện tiền quán sát, tự mình giác hiểu.[3] Như vậy, thiên thần! Đó gọi là bỏ niềm vui xa vời để được niềm vui hiện tại vậy.

Thiên thần lại hỏi Tỳ-kheo:

_ Vì sao Như Lai lại nói “dục là phi pháp, vui ít khổ nhiều”? Vì sao Như Lai lại nói “hiện pháp lợi lạc cho đến tự mình biết rõ”?

Tỳ-kheo đáp:

_ Tôi trẻ tuổi xuất gia, không thể nói đầy đủ ý nghĩa về Giáo pháp và Giới luật của Như Lai. Thế Tôn đang ở Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà gần đây, ngài có thể đến chỗ Thế Tôn để hỏi điều mình còn nghi ngờ. Theo lời Thế Tôn dạy, tùy ý mà thọ trì.

Thiên thần lại nói:

_ Tỳ-kheo! Chỗ Như Lai đang có nhiều chư thiên oai lực vây quanh. Tôi chưa thưa trước, dễ gì vào được. Tỳ-kheo! Thầy có thể vì tôi mà bạch trước với Thế Tôn, tôi sẽ đi theo.

Tỳ-kheo đáp:

_ Tôi vì giúp ngài mà đi đây.

Thiên thần thưa:

_ Thưa vâng! Tôi sẽ theo sau Tôn giả.

Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài, đứng sang một bên rồi đem những điều vấn đáp với thiên thần trình lên Thế Tôn và thưa:

_ Bây giờ, bạch Thế Tôn! Thiên thần ấy nếu thành thật sẽ đến đây, nếu không thành thật sẽ không đến.

Lúc ấy, thiên thần từ xa vọng nói với Tỳ-kheo:

_ Tỳ-kheo! Tôi đang ở đây! Tôi đã đến đây rồi!

Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ:

Chúng sanh theo ái tưởng,
Vì ái tưởng mà sống,
Do chẳng biết rõ ái,
Là cơ hội của ma.[4]

Đức Phật bảo thiên thần:
– Ông hiểu được kệ này rồi thì hãy đặt câu hỏi.

Thiên thần thưa:
– Bạch Thế Tôn! Con không hiểu. Bạch Thiện Thệ! Con không hiểu.

Đức Phật lại nói kệ:

Nếu biết điều yêu thích,
Không sanh yêu thích nó,
Kia, đây không sở hữu,
Người khác không thể nói.

Đức Phật bảo thiên thần:
– Ông hiểu được nghĩa này rồi thì hãy đặt câu hỏi.

Thiên thần thưa Phật:
– Con không hiểu, bạch Thế Tôn! Con không hiểu, bạch Thiện Thệ!

Đức Phật lại nói kệ:

Ai thấy bằng, hơn, kém,
Thì tranh luận sanh ra,
Ba điều chẳng khuynh động,
Thì luôn được thuận hòa.

Đức Phật bảo thiên thần:
– Hiểu được nghĩa này rồi thì hãy đặt câu hỏi.

Thiên thần thưa Phật:
– Con không hiểu, bạch Thế Tôn! Con không hiểu, bạch Thiện Thệ!

Đức Phật lại nói kệ:

Đoạn ái và danh sắc,
Trừ mạn, dứt buộc ràng,
Tịch diệt, dừng sân hận,
Lìa kiết, bặt mong cầu,
Chẳng thấy nơi trời, người,
Đời này và đời khác.

Đức Phật bảo thiên thần:
– Ông hiểu nghĩa này rồi thì hãy đặt câu hỏi.

Thiên thần thưa Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ! Con đã hiểu.

Đức Phật nói kinh này xong, thiên thần nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ rồi liền biến mất.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1078. 0281c03). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.17. 0379a23); S. 1.20 - I. 8.

[2] Nguyên tác: Tháp-bổ (搨補), cũng viết là Tháp-bổ (㯓補, Tapodā). Theo DPPN, Tapodā vốn là hồ nước nóng dưới chân ngọn núi Vebhāra, bên ngoài thành Vương Xá (Rājagaha). Ở đây có một tinh xá, thường gọi là Ôn Tuyền tinh xá (溫泉, Tapodārāma).

[3] Nguyên tác: Ngã kim ư hiện pháp trung dĩ ly chư xí nhiên, bất đãi thời tiết, năng tự thông đạt, hiện tiền quán sát, duyên tự tri giác (我今於現法中已離諸熾然, 不待時節, 能自通達, 現前觀察, 緣自知

覺). Xem chú thích 59, kinh số 550, quyển 20, tr. 610; Tạp. 雜 (T.02. 0099.550. 0143b18).

[4] Nguyên tác: Tắc vi tử phương tiện (則為死方便). Phương tiện (方便): Cơ hội, thời cơ (機會, 時 機). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.17. 0379b16): Đó gọi thuộc đường ma (是名屬死徑). S. 1.20 - I. 8: Yogamāyanti maccuno (bị tử thần trói buộc).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.