Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 38

1077. ƯƠNG-CÙ-LỢI-MA-LA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hành trong nhân gian tại nước Ương-cù-đa-la.[2] Khi ngang qua khu rừng Đà-bà-lê-ca, Ngài thấy có những người chăn bò, chăn dê, nhặt củi và nhiều người khác nữa đang làm việc. Họ nhìn thấy Thế Tôn đang đi trên đường, liền đến thưa rằng:

_ Bạch Thế Tôn! Chớ đi tiếp con đường này vì phía trước có tên cướp Ương-cù-lợi-ma-la[3] chuyên khủng bố người ta.

Đức Phật nói với mọi người:

_ Ta không sợ!

Nói xong, Ngài cứ đi tiếp. Họ ngăn đến ba lần, Thế Tôn vẫn dấn bước.

Từ xa trông thấy Ương-cù-lợi-ma-la tay cầm dao chạy theo, Thế Tôn dùng thần lực hiện thân đi chậm rãi, nhưng khiến Ương-cù-lợi-ma-la chạy nhanh vẫn không đuổi theo kịp. Chạy đến mệt đuối, Ương-cù-lợi-ma-la từ xa nói với Thế Tôn:

_ Đứng lại, đứng lại, đừng đi nữa!

Thế Tôn vẫn bước đi mà đáp:

_ Ta luôn dừng, chính ngươi không dừng đó thôi!

Lúc ấy, Ương-cù-lợi-ma-la liền nói kệ:

Sa-môn vẫn bước nhanh,
Mà nói “Ta luôn dừng”,
Nay tôi mệt, đã dừng,
Sao nói “ngươi không dừng”?

Thế Tôn lại nói kệ đáp:

Ương-cù-lợi-ma-la,
Ta thường nói dừng là,
Với tất cả chúng sanh,
Đã buông bỏ dao gậy,
Ông khủng bố chúng sanh,
Nghiệp ác không chịu dừng.
Ta với cả côn trùng,
Cũng không dùng dao gậy,
Với các loại côn trùng,
Ông bức bách, đe dọa,
Tạo tác nghiệp ác hung,
Trọn chẳng lúc nào dừng.
Đối với các sanh mạng,[4]
Ta dừng hết dao gậy,
Ông với các sanh mạng,
Luôn làm khổ, bức bách,
Tạo tác nghiệp xấu ác,
Đến nay vẫn không dừng.
Ta dừng pháp cần dừng,
Tất cả không buông lung,
Ông chẳng thấy bốn đế,
Nên không dừng buông lung.

Ương-cù-lợi-ma-la dùng kệ bạch Phật:

Lâu mới thấy Mâu-ni,
Ngoài đường nên chạy theo,
Nay nghe lời chân diệu,
Sẽ bỏ ác trước đây.
Nói ra như thế rồi,[5]
Liền buông bỏ dao gậy,
Đảnh lễ sát chân Phật,
Xin mình được xuất gia.
Phật với lòng từ bi,
Đại Tiên đầy thương xót,
Bảo: Tỳ-kheo, đến đây!
Xuất gia, thọ Cụ túc.

Sau khi Ương-cù-lợi-ma-la xuất gia, một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên tâm tư duy về mục đích mà người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, với niềm tin chân chánh, rời xa gia đình, xuất gia học đạo, tiến tu Phạm hạnh, ngay hiện đời tự biết, tự ngộ: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Khi đó, Ương-cù-lợima-la đắc quả A-la-hán, cảm nhận được vị giải thoát, hỷ lạc, liền nói kệ rằng:

Vốn có tên Bất Hại,
Mà lại sát hại nhiều,
Nay được gọi Kiến Đế,
Xa lìa sự giết hại.
Thân không giết, không hại,
Miệng, ý cũng như thế,
Nên biết, thật không giết,
Không bức hại chúng sanh.
Rửa sạch tay vấy máu,
Ương-cù-lợi-ma-la,
Trôi nổi giữa dòng sâu,
Tam quy khiến dừng lại.
Quy y Tam bảo rồi,
Xuất gia, thọ Cụ túc,
Thành tựu được Tam minh,
Điều Phật dạy đã làm.
Chăn trâu dùng cây roi,
Điều voi dùng móc sắt,
Không dùng dao thay roi,
Đúng mực, hợp trời, người.
Dao bén nhờ đá mài,
Tên thẳng nhờ lửa ấm,
Chặt gậy nhờ búa rìu,
Điều phục, nhờ trí tuệ.
Người trước kia buông lung,
Về sau tự thúc liễm,
Là soi sáng thế gian,
Như mây tan trăng hiện.
Người trước kia buông lung,
Về sau tự thúc liễm,
Dòng ân ái nơi đời,
Chánh niệm để thoát khỏi.
Người tuổi trẻ xuất gia,
Tinh cần tu Phật đạo,
Là soi sáng thế gian,
Như mây tan trăng hiện.
Người tuổi trẻ xuất gia,
Tinh cần tu Phật đạo,
Dòng ân ái nơi đời,
Vượt thoát nhờ chánh niệm.
Muốn vượt qua nghiệp ác,
Chánh thiện khiến diệt ác,
Là soi sáng thế gian,
Như mây tan trăng hiện.
Người trước đây tạo ác,
Chánh thiện có thể diệt,
Dòng ân ái nơi đời,
Vượt thoát nhờ chánh niệm.
Tôi tạo nghiệp ác rồi,
Ắt đọa vào đường ác,
Đã thọ nhận báo xấu,
Nợ trước vay nay trả.
Tôi với người oán ghét,
Được nghe Chánh pháp này,
Được pháp nhãn thanh tịnh.
Tôi tu hạnh nhẫn nhục,
Chẳng còn khởi tranh cãi,
Nhờ ân lực của Phật,
Tôi hiền lành, nhẫn nhục,
Cũng thường khen ngợi nhẫn,
Tùy thời nghe Chánh pháp,
Nghe rồi tu tập theo.

Đức Phật nói kinh này xong, Ương-cù-lợi-ma-la nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1077. 0280c18). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.16. 0378b17); Ương-quật-ma kinh 鴦掘摩經 (T.02. 0118. 0508b17); Ương-quật-kế kinh 鴦崛髻經 (T.02. 0119. 0510b14); Tăng. 增 (T.02. 0125.38.6. 0719b20); Xuất diệu kinh 出曜經 (T.04. 0212.17. 0702b07); M. 86, Aṅgulimāla Sutta (Kinh Angulimāla).

[2] Ương-cù-đa-la quốc (央瞿多羅國, Aṅguttarāpa), một tiểu quốc phía Bắc sông Mahī, có liên hệ với nước Ương-già (Aṅga).

[3] Ương-cù-lợi-ma-la (央瞿利摩羅, Aṅgulimāla).

[4] Nguyên tác: Nhất thiết thần (一切神, sabbe jīvā), chỉ cho chúng sanh có thần thức, có mạng sống.

[5] Từ câu này trở xuống là đoạn kệ tường thuật tiếp theo, không phải là lời kệ của Ương-cù-lợi-ma-la.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.