Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 38

1075. ĐÀ-PHIÊU MA-LA TỬ (1)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la tử[2] trước đây sống tại thành Vương Xá, lo việc phân chia[3] ăn uống, sàng tọa cho chúng Tăng đúng theo thứ bậc mà không để trái luật.

Lúc ấy, có Tỳ-kheo Từ Địa[4] đã ba lần nhận phải thức ăn thô dở, khi ăn cảm thấy khó chịu, liền nghĩ thầm: “Lạ thay! Khổ quá! Ông Tỳ-kheo Đà-phiêu Mala tử này chắc cố tình đem thức ăn dở để xúc não ta, khiến ta ăn uống cực khổ. Ta phải làm sao gây bất lợi cho ông ta mới được!”

Tỳ-kheo Từ Địa có một cô em gái là Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la[5] đang ở trong chúng Tỳ-kheo-ni nơi ngự viên thuộc thành Vương Xá. Lần nọ, Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la đến chỗ Tỳ-kheo Từ Địa, cung kính đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Khi ấy, Tỳ-kheo Từ Địa không thèm nhìn đến cũng không mở lời chào hỏi.

Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la hỏi Tỳ-kheo Từ Địa:

_ Thưa thầy![6] Vì sao thầy không đoái hoài, không nói chuyện với con?

Tỳ-kheo Từ Địa nói:

_ Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la tử nhiều lần đem thức ăn thô dở để xúc não ta, khiến ta ăn uống cực khổ, còn cô thì cứ bỏ mặc ta!

Tỳ-kheo-ni hỏi:

_ Vậy con phải làm sao?

Tỳ-kheo Từ Địa bảo:

_ Cô hãy đến chỗ Thế Tôn, thưa như vầy: “Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo Đàphiêu Ma-la tử là kẻ phi pháp, không ra gì, vì đối với con đã làm điều trái Phạm hạnh, phạm tội Ba-la-di.”[7] Ta sẽ làm chứng và nói: “Bạch Thế Tôn! Đúng như lời em gái con đã nói.” Tỳ-kheo-ni nói:

_ Thưa thầy! Làm sao con có thể đem tội Ba-la-di vu khống cho vị Tỳ-kheo Phạm hạnh được?

Tỳ-kheo Từ Địa bảo:

_ Nếu cô không làm như thế thì tôi và cô sẽ tuyệt giao, đừng lui tới chuyện trò hay thăm hỏi nhau nữa.

Tỳ-kheo-ni ấy im lặng một lát rồi nói:

_ Thưa thầy! Nếu thầy muốn con làm như thế thì con sẽ vâng theo.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Từ Địa bảo:

_ Cô đợi tôi đi đến chỗ Thế Tôn trước rồi cô hãy theo sau.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Từ Địa liền đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên. Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la cũng liền theo sau mà đến, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên và thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Sao lại có một kẻ bất thiện, không ra gì như Đà-phiêu Ma-la tử! Ông ấy đối với con đã làm điều trái Phạm hạnh, phạm tội Ba-la-di!

Tỳ-kheo Từ Địa lại bạch Phật:

_ Như lời em gái con nói, trước đây con cũng đã biết.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la tử đang ở giữa đại chúng. Thế Tôn liền hỏi Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la tử:

_ Thầy nghe những lời như thế rồi chứ?

Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la tử nói:

_ Bạch Thế Tôn! Con đã nghe.

Đức Phật hỏi:

_ Thầy nay phải làm thế nào?

Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la tử bạch Phật:

_ Như Thế Tôn đã biết! Như Thiện Thệ đã biết!

Đức Phật bảo:

_ Thầy nói: “Như Thế Tôn đã biết!”, như vậy chẳng hợp thời. Bây giờ, thầy có nhớ[8] thì hãy nói là có nhớ, không nhớ thì hãy nói là không nhớ.

Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la tử nói:

_ Con không tự nhớ!

Lúc đó, Tôn giả La-hầu-la đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật, bạch rằng:

_ Bạch Thế Tôn! Người bất thiện, không ra gì chính là cô Tỳ-kheo-ni vừa nói: “Tôn giả Đà-phiêu Ma-la tử đối với con đã làm điều trái Phạm hạnh” và ông Tỳ-kheo Từ Địa nói: “Đúng thế, bạch Thế Tôn! Trước đây con đã biết, như lời em con nói.”

Đức Phật bảo La-hầu-la:

_ Ta nay hỏi thầy, hãy tùy ý mà trả lời. Nếu Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la đến nói với Ta rằng: “La-hầu-la thật bất thiện, không ra gì, đối với con đã làm điều trái Phạm hạnh, phạm tội Ba-la-di.” Rồi Tỳ-kheo Từ Địa lại bạch với Ta: “Đúng vậy, Thế Tôn! Như lời em gái con nói, con trước đây cũng đã biết” thì thầy sẽ làm thế nào?

La-hầu-la thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Nếu con có nhớ sẽ nói có nhớ, nếu không nhớ sẽ nói không nhớ.

Đức Phật bảo La-hầu-la:

_ Người kém cỏi như thầy mà còn nói được những lời này, huống gì Đà-phiêu Ma-la tử là Tỳ-kheo thanh tịnh, cớ sao không nói được những lời như vậy?

Bấy giờ, Thế Tôn bảo chúng Tỳ-kheo:

_ Đối với Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la tử, hãy để vị này ức niệm, còn đối với Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la hãy áp dụng phương pháp tự ngôn trị, với Tỳ-kheo Từ Địa thì hãy cực lực quở trách, răn dạy: “Ông thấy thế nào? Thấy ở đâu? Do nhân gì mà thấy được?”

Thế Tôn dạy như vậy rồi, rời khỏi tòa vào thất tĩnh tọa.

Thế rồi, chúng Tỳ-kheo áp dụng phương pháp ức niệm đối với Tỳ-kheo Đàphiêu, dùng phương pháp tự ngôn trị đối với Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la, còn đối với Tỳ-kheo Từ Địa thì cực lực quở trách, răn dạy rằng: “Ông thấy thế nào? Thấy ở đâu? Do nhân gì mà thấy được?”

Trong lúc chúng Tỳ-kheo răn dạy như thế, Tỳ-kheo Từ Địa thưa rằng:

_ Đà-phiêu Ma-la tử không làm điều trái Phạm hạnh, không phạm tội Ba-ladi, nhưng Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la tử đã ba lần chia cho tôi thức ăn dở tệ hại, khiến tôi ăn uống cực khổ. Tôi đối với vị ấy sanh lòng sân hận, thù ghét nên mới nói như thế, chứ thật ra Đà-phiêu Ma-la tử là người thanh tịnh, vô tội.

Sau buổi trưa, Thế Tôn xả thiền, đến trước đại chúng trải tòa rồi ngồi xuống. Các Tỳ-kheo thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Chúng con đã áp dụng phương pháp ức niệm đối với Tỳkheo Đà-phiêu, dùng phương pháp tự ngôn trị đối với Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la, còn đối với Tỳ-kheo Từ Địa thì cực lực quở trách, răn dạy... (cho đến) Tỳ-kheo

Từ Địa nói rằng: “Đà-phiêu Ma-la tử là người thanh tịnh, vô tội.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Sao lại si mê đến thế? Chỉ vì việc ăn uống, đã biết mà lại vọng ngữ.

Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ:

Hãy nên bỏ một pháp,
Biết mà cố vọng ngữ,
Không nghĩ đến đời sau,
Không ác nào không làm.
Thà nuốt hòn sắt nóng,
Như lửa than cháy hừng,
Chứ không để phạm giới,
Mà ăn của cúng dường.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1075. 0279c14). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.14. 0377c04).

[2] Đà-phiêu Ma-la tử ( 陀驃摩羅子, Dabba Mallaputta).

[3] Nguyên tác: Sai thỉnh (差請): Cắt cử, phân chia.

[4] Từ Địa (慈地, Mettiyabhummajakā).

[5] Mật-đa-la (蜜多羅, Mettiyā).

[6] Nguyên tác: A-lê (阿梨). Ngài Ấn Thuận đọc là A-xà-lê (阿闍棃, Ācariya), Hán dịch là Giáo thọ sư hay Quỹ phạm sư. Nhưng đây là phiên âm từ Sanskrit: Ariya (P. Ayya): “Thưa ngài/ Thưa đức ông” từ xưng hô của người nhỏ đối với người lớn.

[7] Ba-la-di (波羅夷, Pārājika).

[8] Nguyên tác: Ức niệm (憶念). Đây là một trong 7 phương pháp đức Phật thường dùng để giải quyết những tranh chấp trong Tăng chúng, gọi là 7 pháp diệt tránh: (i) Hiện tiền (現前), (ii) Ức niệm (憶念), (iii) Bất si (不痴), (iv) Tự ngôn trị (tự phát lộ tội lỗi của mình rồi mới bị xử trị) (自言治), (v) Mích tội tướng (覓罪相), (vi) Đa nhân ngữ (多人語), (vii) Như thảo phú địa (如草覆地).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.