Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 37

1029. QUÁN CHIẾU[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tập hợp tại giảng đường Già-lê-lệ, lúc này có nhiều Tỳ-kheo đang bị bệnh...

(Nói tương tự như trên, chỉ có khác ở chỗ):

Vị Thánh đệ tử quán sát như vậy thì vị ấy được giải thoát đối với sắc, được giải thoát đối với thọ, tưởng, hành và thức. Như Lai nói những vị này sẽ được thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Bậc trí tuệ đa văn,
Đều thấu rõ các thọ,
Đối với khổ, lạc thọ,
Nhận biết rất rõ ràng.
Nên biết việc chắc thật,
Phàm phu có lên, xuống,
Với lạc, không nhiễm trước,
Với khổ, cũng chẳng động.
Biết thọ không, thọ sanh,
Tỉnh giác với tham, sân,
Đoạn trừ những pháp này,
Tâm giải thoát hoàn toàn.[2]
Buộc niệm vào diệu cảnh,
Chánh hướng đợi hết đời,
Nếu Tỳ-kheo tinh cần,
Tỉnh giác chẳng dao động.
Đối với các thọ này,
Người trí thường biết rõ,
Rõ biết các thọ rồi,
Hiện tại sạch các lậu,
Nương tuệ mà lâm chung,
Niết-bàn không luân hồi.[3]

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. (T.02. 0099.1029. 0269a12). Tham chiếu: S. 36.8 - IV. 231.

[2] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Trong Tạp A-hàm, cú ngữ này còn được viết là “chánh giải thoát” (正解脫, sammāvimutta), chỉ cho việc giải thoát hoàn toàn (sammā). Trong Chú giải kinh Gilāna (Gilānasuttavaṇṇanā), ngài Buddhaghosa giải thích rằng, “tâm thiện giải thoát” chính là quả giải thoát của bậc A-la-hán (Arahattaphalavimuttiyā vimuttacittassa).

[3] Nguyên tác: Bất đọa số (不墮數). Số () là thể rút gọn của “chư số” (諸數). Xem chú thích 35, kinh số 16, quyển 1, tr. 12; Tạp. (T.02. 0099.16. 0003b14).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.