Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 37

1028. CHÁNH NIỆM KHI DƯỠNG BỆNH[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tập hợp tại giảng đường Già-lê-lệ.[2] Lúc này có nhiều Tỳ-kheo đang bị bệnh.

Chiều hôm ấy, sau thời tọa thiền, Thế Tôn đi đến giảng đường Già-lê-lệ, trải tòa ngồi ở trước đại chúng rồi bảo các Tỳ-kheo:

_ Trong khi dưỡng bệnh,[3] các thầy nên chánh niệm. Đó là lời giáo huấn của Như Lai. Này Tỳ-kheo, thế nào là chánh niệm? Nghĩa là Tỳ-kheo sống quán niệm thân trên nội thân, tinh cần nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu ở thế gian; sống quán niệm thân trên ngoại thân, sống quán niệm thân trên cả nội thân và ngoại thân; sống quán niệm thọ trên nội thọ, ngoại thọ, nội và ngoại thọ; sống quán niệm tâm trên nội tâm, ngoại tâm, nội và ngoại tâm; sống quán niệm pháp trên nội pháp, ngoại pháp, nội và ngoại pháp; tinh cần nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, điều phục tham ưu ở thế gian. Đây gọi là Tỳ-kheo nhớ nghĩ chánh niệm.

Thế nào là tỉnh giác? Nghĩa là Tỳ-kheo trong [khi] đi tới hoặc đi lui luôn an trụ trong tỉnh giác; hoặc lúc nhìn ngó, hoặc khi quán sát, hoặc khi co, duỗi, cúi, ngước, hoặc khi đắp y, ôm bát, đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, ngay cả với năm mươi, sáu mươi người thì khi nói năng hay im lặng đều an trụ trong tỉnh giác. Này Tỳ-kheo! Đây gọi là tỉnh giác.

Cũng vậy, Tỳ-kheo! Vị nào an trụ vào chánh niệm tỉnh giác thì có thể phát sanh cảm thọ lạc. Điều này là có nhân duyên chứ không phải không có nhân duyên.

Nhân duyên như thế nào? Nghĩa là vị ấy duyên vào thân mà khởi suy nghĩ: “Thân này của ta là vô thường, là hữu vi, duyên vào tâm mà sanh; cảm thọ lạc cũng vô thường, hữu vi, duyên vào tâm mà sanh.” Vị ấy quán sát vô thường, quán sát sanh diệt, quán sát lìa dục, quán sát diệt tận, quán sát tuệ xả ở nơi thân và cảm thọ lạc. Sau khi vị ấy đã quán sát thân cùng với cảm thọ lạc là vô thường... (cho đến) tuệ xả thì ở nơi thân này cùng với cảm thọ lạc sẽ vĩnh viễn không còn các kiết sử tham dục sai sử nữa.

Cũng vậy, với chánh niệm tỉnh giác thì có thể sanh cảm thọ khổ, là có nhân duyên chứ không phải không có nhân duyên.

Nhân duyên như thế nào? Nghĩa là vị ấy duyên vào thân và suy nghĩ: “Thân này của ta là vô thường, là hữu vi, duyên nơi tâm mà sanh; cảm thọ khổ cũng vô thường, là hữu vi, duyên nơi tâm mà sanh.” Vị ấy quán sát vô thường đối với thân này và nơi cảm thọ khổ... (cho đến) tuệ xả thì ở nơi thân này cùng với cảm thọ khổ sẽ vĩnh viễn không còn các kiết sử sân hận sai sử nữa.

Cũng vậy, với chánh niệm tỉnh giác thì có thể sanh cảm thọ không khổ không vui là có nhân duyên chứ không phải không có nhân duyên.

Nhân duyên như thế nào? Nghĩa là vị ấy duyên vào thân và suy nghĩ: “Thân này của ta là vô thường, là hữu vi, duyên nơi tâm mà sanh; cảm thọ không khổ không lạc kia cũng vô thường, là hữu vi, duyên nơi tâm mà sanh.” Vị ấy quán sát vô thường nơi thân này và nơi cảm thọ không khổ không lạc... (cho đến) tuệ xả thì nơi thân này cùng với cảm thọ không khổ không lạc sẽ vĩnh viễn không còn bị các kiết sử vô minh sai khiến nữa.

Vị Thánh đệ tử đa văn khéo quán sát như vậy sẽ nhàm chán và xa lìa đối với sắc, nhàm chán và xa lìa đối với thọ, tưởng, hành và thức. Sau khi đã nhàm chán và xa lìa rồi, vị ấy liền được ly dục; đã ly dục thì được giải thoát và giải thoát tri kiến, tự nhận biết rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Khi có cảm thọ vui,
Mà không biết cảm nhận,
Bị tham dục sai sử,
Không thấy đạo xuất ly
Khi đang cảm thọ khổ,
Lại không nhận biết khổ,
Bị sân hận sai sử,
Chẳng thấy đạo xuất ly.
Khi không khổ không vui,
Lời bậc Chánh Giác nói,
Cũng không khéo nhận biết,
Thì chẳng vượt bờ mê.
Nếu Tỳ-kheo tinh tấn,
Tỉnh giác chẳng lay động,
Thì nơi tất cả thọ,
Trí tuệ đều biết rõ.
Khéo biết các thọ rồi,
Hiện tại sạch các lậu,
Nương tuệ mà lâm chung,
Niết-bàn không luân hồi.[4][5]

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1028. 0268b27). Tham chiếu: S. 36.7 - IV. 210.

[2] Già-lê-lệ giảng đường (伽梨隸講堂) có lẽ từ Gilānasālā, chỉ cho bệnh xá.

[3] Nguyên tác: Đãi thời (待時), chờ đợi thời duyên, theo ngữ cảnh là chờ lành bệnh.

[4] Nguyên tác: Bất đọa số (不墮數). Số (數) là thể rút gọn của “chư số” (諸數). Xem chú thích 35, kinh số 16, quyển 1, tr. 12; Tạp. 雜 (T.02. 0099.16  0003b14).

[5] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1029. 0269a12). Tham chiếu: S. 36.8 - IV. 231.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.