Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 37
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
(Nói tương tự như kinh trên chỉ có khác ở chỗ):
_ Các thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Như Lai sẽ vì các thầy mà giảng nói. Nếu Tỳ-kheo nào suy nghĩ như vầy: “Ta nên đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng trạng của cảnh giới bên ngoài mà không thấy có ngã, ngã sở và ngã mạn trói buộc, sai sử thì ngay trong hiện tại tự thân tác chứng và an trụ đầy đủ cùng với tâm giải thoát và tuệ giải thoát; đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng trạng của cảnh giới bên ngoài mà không thấy có ngã, ngã sở và ngã mạn trói buộc, sai sử thì hiện tại tự thân tác chứng và an trụ đầy đủ cùng với tâm giải thoát và tuệ giải thoát kia.”
Tỳ-kheo kia đã tự suy nghĩ: “Ta đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng trạng của cảnh giới bên ngoài không thấy có ngã, ngã sở và ngã mạn trói buộc, sai sử, ngay trong hiện tại tự thân tác chứng và an trụ đầy đủ cùng với tâm giải thoát và tuệ giải thoát; đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng trạng của cảnh giới bên ngoài không thấy có ngã, ngã sở và ngã mạn trói buộc, sai sử thì hiện tại tự thân tác chứng và an trụ đầy đủ cùng với tâm giải thoát và tuệ giải thoát kia.”
Nếu Tỳ-kheo kia đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng trạng của cảnh giới bên ngoài đã không còn thấy có ngã, ngã sở, ngã mạn trói buộc, sai sử, ngay trong hiện tại tự thân tác chứng và an trụ đầy đủ cùng với tâm giải thoát và tuệ giải thoát; khi vị ấy đối với thân có thức này cùng với tất cả tướng trạng cảnh giới bên ngoài, đã không còn thấy có ngã, ngã sở và ngã mạn trói buộc, sai sử, hiện tại tự thân tác chứng và an trụ đầy đủ cùng tâm giải thoát và tuệ giải thoát kia rồi thì đây gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ ái dục, dứt các kiết sử, tỏ ngộ về mạn,[2] vượt thoát khổ đau.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1026. 0268a20). Tham chiếu: S. 35.75 - IV. 47.
[2] Nguyên tác: Đoạn ái dục, chuyển khứ chư kiết, chánh vô gián đẳng, cứu cánh khổ biên (斷愛欲, 轉去諸結, 正無間等, 究竟苦邊). Chánh vô gián đẳng (正無間等) là cách viết chưa đúng của “chỉ mạn vô gián đẳng” (止慢無間等, sammā mānābhisamayā). Ở đây, “chỉ” (止) có nghĩa là khiến cho ngưng nghỉ (使停止); “mạn” (慢) chính là kiêu mạn, ngã mạn; “vô gián” (無間) nghĩa là không bị trở ngại (沒有隔閡) và “đẳng” (等) có lẽ được dịch của sammā, nghĩa là toàn diện, hoàn toàn. Do vậy, “chỉ mạn vô gián đẳng” (止慢無間等, Sammā mānābhisamayā) trong thành cú này được dịch là diệt sạch ngã mạn. Tham chiếu toàn bộ thành cú này ở M. 2, Sabbāsava Sutta (Kinh tất cả các lậu hoặc). Acchecchi taṇhaṃ, vivattayi saṃyojanaṃ, sammā mānābhisamayā antamakāsi dukkhassa (Đã đoạn diệt khát ái / Đã thoát ly kiết sử / Đã chánh tri kiêu mạn / Đã diệt tận khổ đau), HT. Thích Minh Châu dịch.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.