Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 37
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có Tỳ-kheo trẻ tuổi mới xuất gia học đạo ở trong Giáo pháp và Giới luật của đức Phật chưa bao lâu nên hiểu biết còn ít ỏi, một mình làm lữ khách, không có người chu cấp, tá túc trong phòng dành cho khách Tăng bên cạnh một thôn xóm. Thầy ấy đang bị bệnh rất nguy kịch.
Lúc ấy, có số đông Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
_ Kính bạch Thế Tôn! Có một Tỳ-kheo trẻ tuổi mới xuất gia học đạo... (cho đến) bị bệnh rất nguy kịch, đang ở trong phòng dành cho khách Tăng bên cạnh một thôn xóm. Bệnh tình của Tỳ-kheo như vậy có lẽ sẽ qua đời. Lành thay! Xin Thế Tôn từ bi thương xót mà đến chỗ của vị ấy.
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Sau thời tọa thiền chiều hôm đó, Thế Tôn liền đi đến chỗ Tỳ-kheo lâm bệnh. Vị Tỳ-kheo này từ xa trông thấy Thế Tôn đến, liền vịn vào thành giường định ngồi dậy, Thế Tôn từ ái nói:
_ Thầy hãy nằm nghỉ, đừng cố gượng dậy. Thế nào, Tỳ-kheo? Thầy có thể chịu đựng được bệnh khổ không?... (chi tiết giống như Kinh Tỳ-kheo Sai-ma trước đã nói,14 đó là nói về ba thọ, cho đến) bệnh khổ chỉ tăng thêm chứ không thuyên giảm.
Phật lại nói với thầy Tỳ-kheo bệnh:
_ Nay Như Lai hỏi thầy, thầy hãy trả lời theo ý của mình. Thầy không có điều gì phải hối tiếc chứ?
Tỳ-kheo bệnh bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Con thật sự có hối tiếc.
Phật hỏi Tỳ-kheo bệnh:
_ Thầy không phạm giới chứ?
Tỳ-kheo bệnh bạch Phật:
_ Bạch Thế Tôn! Thật sự con không phạm giới.
Phật lại hỏi vị Tỳ-kheo:
_ Nếu không phạm giới thì thầy hối tiếc về điều gì?
Tỳ-kheo bệnh bạch Phật:
_ Con tuổi trẻ xuất gia chưa được bao lâu, đối với pháp thượng nhân và tri kiến thắng diệu con vẫn chưa được chứng đắc. Con tự nghĩ, không biết sau khi qua đời mình sẽ sanh về đâu, nên con hối tiếc.
Phật bảo Tỳ-kheo:
_ Nay Như Lai hỏi, thầy hãy trả lời theo suy nghĩ của mình. Này Tỳ-kheo! Vì có nhãn căn cho nên có nhãn thức phải không?
Tỳ-kheo bệnh bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Đúng thật như vậy.
Phật lại hỏi Tỳ-kheo:
_ Này Tỳ-kheo, ý thầy thế nào? Vì có nhãn thức nên có nhãn xúc, do nhãn xúc làm nhân, làm duyên nên sanh khởi cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui phải không?
Tỳ-kheo bệnh bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Đúng thật như vậy.
(Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói tương tự như thế).
Đức Phật lại hỏi:
_ Thế nào Tỳ-kheo? Nếu không có nhãn căn thì không có nhãn thức phải không?
Tỳ-kheo bệnh bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Đúng thật như vậy.
Phật lại hỏi Tỳ-kheo:
_ Này Tỳ-kheo! Nếu không có nhãn thức thì không có nhãn xúc phải không? Nếu đã không có nhãn xúc sẽ không có nhãn xúc làm nhân, làm duyên sanh khởi cảm thọ bên trong hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui, phải không?
Tỳ-kheo bệnh bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Đúng thật như vậy.
(Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói tương tự như thế).
_ Vì thế, này Tỳ-kheo! Các thầy phải khéo tư duy pháp như vậy thì lúc qua đời mới được an ổn và đời sau cũng sẽ tốt đẹp.
Bấy giờ, Thế Tôn vì Tỳ-kheo bệnh mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ rồi, Ngài liền đứng dậy trở về trụ xứ. Không bao lâu sau khi Thế Tôn rời đi, Tỳ-kheo này qua đời. Lúc sắp qua đời, các căn của thầy ấy an lạc, dung mạo thanh thoát, màu da sáng nhuận.
Lúc này, số đông Tỳ-kheo cùng đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
_ Kính bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo trẻ tuổi lâm bệnh nặng ấy nay đã qua đời. Lúc sắp qua đời, các căn của thầy ấy an lạc, dung mạo thanh thoát, màu da sáng nhuận. Kính bạch Thế Tôn! Thầy Tỳ-kheo ấy sẽ sanh về nơi nào? Thọ sanh ra sao? Đời sau thế nào?
Phật nói với các Tỳ-kheo:
_ Vị Tỳ-kheo đã qua đời ấy thật sự là vật báu. Nghe Như Lai nói pháp, thầy ấy thấu hiểu rõ ràng, được vô sở úy đối với giáo pháp, chứng Niết-bàn tối hậu.[2] Các thầy nên cúng dường Xá-lợi vị ấy.
Bấy giờ, Thế Tôn thọ ký cho thầy Tỳ-kheo này chứng quả A-la-hán.[3]
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1025. 0267c07). Tham chiếu: S. 35.74 - IV. 46. 14 Xem Tạp. 雜 (T.02. 0099.103. 0029c06).
[2] Nguyên tác: Bát-niết-bàn (般涅槃, Parinibbānaṃ): Niết-bàn tối hậu.
[3] Thọ đệ nhất ký (受第一記). Xem chú thích 66, kinh số 302, quyển 12, tr. 362; Tạp. 雜 (T.02. 0099.302. 0086a04).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.