Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 37
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A-thấp-ba-thệ[2] bị bệnh nặng, vô cùng khốn khổ, đang nằm trong giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên. Tôn giả Phú-lân-ni là người chăm sóc và lo liệu... (nói đầy đủ như Kinh Bạt-ca-lê ở trước,[3] nghĩa là nói ba cảm thọ, cho đến) càng tăng thêm chứ không thuyên giảm.
Phật nói với Tôn giả A-thấp-ba-thệ:
_ Thầy không có điều gì phải hối tiếc chứ?
Tôn giả A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Con thật sự có hối tiếc.
Phật hỏi Tôn giả A-thấp-ba-thệ:
_ Thầy không phá giới chứ?
Tôn giả A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Con không phá giới.
Phật lại hỏi Tôn giả A-thấp-ba-thệ:
_ Thầy không phá giới thì vì điều gì mà phải hối tiếc?
Tôn giả A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Lúc chưa lâm bệnh, do con tu tập nhiều nên thân được khinh an và chứng nhập chánh định. Còn hiện tại, con không thể chứng nhập chánh định ấy được nữa nên con tự nghĩ: “Lẽ nào chánh định đã bị thoái thất ư?” Đức Phật bảo Tôn giả A-thấp-ba-thệ:
_ Nay Như Lai hỏi thầy, thầy hãy trả lời theo suy nghĩ của mình. Này A-thấp-ba-thệ! Thầy có thấy sắc tức là ngã, hay sắc khác với ngã, hay là chúng ở trong nhau?
Tôn giả A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
_ Thưa không, bạch Thế Tôn!
Lại hỏi:
_ Thầy có thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, hoặc khác với ngã, hoặc ở trong nhau không?
Tôn giả A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
_ Thưa không, bạch Thế Tôn!
Phật bảo Tôn giả A-thấp-ba-thệ:
_ Thầy đã không thấy sắc là ngã, hoặc khác với ngã, hoặc ở trong nhau; cũng không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, hoặc khác với ngã, hoặc ở trong nhau thì cớ gì thầy lại hối tiếc?
Tôn giả A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Con hối tiếc vì không chánh tư duy.[4]Phật nói với Tôn giả A-thấp-ba-thệ:
_ Nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn nào vững chãi trong thiền định, an tịnh[5] trong thiền định mà không chứng nhập được chánh định đó thì không nên nghĩ rằng: “Ta đã thoái thất đối với chánh định.” Nếu vị Thánh đệ tử đã không còn thấy sắc là ngã, hoặc khác ngã, hoặc ở trong nhau; cũng không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, hoặc khác ngã, hoặc ở trong nhau thì hãy tỉnh giác khởi lên sự hiểu biết[6] như vầy: “Tham dục đã dứt sạch không còn sót; sân hận, si mê cũng đã dứt sạch không còn sót.” Khi tham dục, sân hận và si mê đã hoàn toàn dứt sạch rồi thì tất cả lậu cũng dứt sạch, được tâm vô lậu giải thoát, được tuệ giải thoát, tự thân tác chứng và tự nhận biết ngay trong hiện tại rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
Trong lúc đức Phật nói pháp, Tôn giả A-thấp-ba-thệ không khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát, hoan hỷ, hân hoan. Nhờ tâm được hoan hỷ, hân hoan nên thân bệnh liền tiêu trừ.
Đức Phật nói kinh này giúp cho Tôn giả A-thấp-ba-thệ được hoan hỷ và tùy hỷ rồi Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy và rời đi.
Như Kinh Tỳ-kheo Sai-ma nói về năm thọ ấm.[7]
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1024. 0267b05). Tham chiếu: S. 22.88 - III. 124.
[2] A-thấp-ba-thệ (阿濕波誓, Assaji).
[3] Theo ngài Ấn Thuận trong Tạp A-hàm kinh luận hội biên 雜阿含經論會編 (Y.32. 0030.1265. 0725a02).
[4] Chánh tư duy (正思惟) cũng còn gọi là “như lý tư duy” (如理思惟), “như lý tác ý” (如理作意, yonisomanasikāra): Nhận thức sự vật như chúng đang là.
[5] Nguyên tác: Bình đẳng (平等), tương đương Pāli là sama. Sama ngoài nghĩa bình đẳng còn mang nghĩa là an tịnh.
[6] Nguyên tác: Giác tri (覺知, sampajāna).
[7] Xem Tạp. 雜 (T.02. 0099.103. 0029c06).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.