Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 37

1039. TRƯỞNG GIẢ THUẦN-ĐÀ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Kim Sư, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, có trưởng giả Thuần-đà đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi lui ngồi một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn hỏi trưởng giả Thuần-đà:

_ Hiện tại, ông ưa thích tịnh hạnh của những Sa-môn, Bà-la-môn nào?

Trưởng giả Thuần-đà bạch Phật:

_ Có Sa-môn, Bà-la-môn thờ phụng nước, thờ trời Tỳ-thấp-ba, cầm tích trượng, bình nước và thường rửa sạch tay mình. Vị Hiền giả như vậy khéo nói pháp rằng: “Này người thiện nam! Vào ngày rằm mỗi tháng, hãy dùng mạt vụn hồ-ma và am-ma-la để gội tóc, thực hành pháp không ăn quá ngọ, mặc y phục sạch sẽ, để tóc dài và trắng xóa, nằm lên trên chỗ đất có trét phân bò. Này người thiện nam! Sáng sớm thức dậy, lấy tay sờ đất và nói như vầy: ‘Đất này thanh tịnh, ta cũng thanh tịnh như vậy.’ Tay cầm miếng phân bò và một nắm cỏ tươi, miệng nói: ‘Cái này thanh tịnh, ta cũng thanh tịnh như vậy.’ Nếu ai làm như vậy thì được xem là thanh tịnh, ai không làm giống như vậy thì vĩnh viễn xem như không thanh tịnh.” Kính bạch Thế Tôn! Sa-môn, Bà-la-môn nào được như vậy thì vị ấy thanh tịnh, đáng cho con kính ngưỡng.

Phật nói với trưởng giả Thuần-đà:

_ Có pháp xấu ác và báo ứng xấu ác, có pháp bất tịnh và quả bất tịnh, giống như vác nặng sẽ bị chúi xuống. Nếu ai đã tạo những pháp xấu ác này thì dù cho sáng sớm thức dậy lấy tay sờ đất và nói rằng “thanh tịnh” thì vị ấy vẫn không thanh tịnh, ngay cả không chạm vào cũng không thanh tịnh. Người này cho dù cầm miếng phân bò và nắm cỏ tươi rồi nói rằng “thanh tịnh” thì họ vẫn không thanh tịnh, ngay cả không chạm vào cũng không thanh tịnh.

Này Thuần-đà! Những pháp nào là pháp xấu ác và báo ứng xấu ác, pháp bất tịnh và quả bất tịnh, giống như vác nặng sẽ bị chúi xuống... (cho đến) chạm hay không chạm, tất cả đều không thanh tịnh?

Này Thuần-đà! Tay thường tanh mùi máu, tâm luôn nghĩ ngợi đến việc đánh đập, giết hại, không biết hổ thẹn, tham lam, bỏn xẻn, đối với tất cả chúng sanh cho đến côn trùng cũng không từ bỏ sát hại. Đây gọi là tạo nghiệp ác sát sanh.

Đối với tài vật, làng xóm, đất trống của người khác cũng không từ bỏ trộm cướp.

Đối với những người được cha mẹ bảo hộ, hoặc được anh em, chị em, người chồng, thân tộc bảo hộ cho đến người đã được dạm hỏi mà lại dùng sức cưỡng bức, không từ bỏ ý định dâm tà. Đây gọi là hành tà dâm.

Nói dối, không nói lời chân thật hoặc đối với vua quan, hoặc đối với các nhà nói chân thật, những nơi có nhiều người tụ tập thì rất cần lời nói đúng đắn nhưng lại nói lời không thật; không thấy lại nói có thấy, thấy lại nói không thấy, không nghe mà nói có nghe, có nghe lại nói không nghe; biết mà nói không biết, không biết mà nói là biết, hoặc vì bản thân, hoặc vì người khác, hoặc vì tài lợi, biết mà cố nói, không chịu từ bỏ. Đây gọi là vọng ngữ.

Hoặc nói hai chiều để gây chia rẽ, đem chuyện bên này sang nói với bên kia, đem chuyện bên kia về nói với bên này, phá hoại lẫn nhau, làm cho sự hòa hợp bị tan rã, kẻ ly gián lấy đó làm niềm vui. Đây gọi là nói hai chiều.

Hoặc không chịu từ bỏ lời nói thô ác, mắng nhiếc. Nếu có người nói lời dịu dàng, êm tai, đẹp lòng, đúng đắn dễ hiểu, lời nói khiến người khác thích nghe, được nhiều người yêu mến, hài lòng và lời nói tùy thuận hướng đến tam-muội; những lời như vậy thì không chịu khuất phục. Còn đối với những lời nói khiến nhiều người chán ghét, không ưa thích, không hợp ý, không tùy thuận tam-muội, những lời nói thô tháo như vậy thì lại không chịu lìa bỏ. Đó gọi là ác khẩu.

Hoặc lời nói tạp loạn, bất chánh, lời nói không đúng lúc, lời nói không thực tế, lời nói vô nghĩa, lời nói phi pháp, lời nói thiếu suy nghĩ. Những lời nói như vậy gọi là lời nói tạp loạn.

Không từ bỏ tham lam, đối với tài vật của người khác mà lại khởi tham dục, nói rằng: “Nếu ta có vật này thì rất tốt.”

Không dứt bỏ sân hận tệ ác, trong tâm luôn suy nghĩ: “Chúng sanh kia đáng bị trói, đáng bị roi vọt, gậy gộc, đáng giết; muốn cho nó khó sống.”

Không bỏ tà kiến điên đảo, có kiến chấp như vầy: “Không có bố thí, không có quả báo, không có phước đức, không có điều thiện, điều ác; không có nghiệp thiện hoặc ác, cũng không có quả báo thiện hoặc ác; không có đời này, không có đời khác; không có cha mẹ, không có chúng sanh hóa sanh ở thế gian; thế gian cũng không có các A-la-hán, không có các vị chánh hướng mà trong đời này hay đời khác tự thân tác chứng và tự nhận biết: ‘Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.’” Này Thuần-đà! Như thế gọi là pháp xấu ác và báo ứng xấu ác; pháp bất tịnh và quả bất tịnh... (cho đến) chạm vào hay không chạm vào, tất cả đều không thanh tịnh.

Này Thuần-đà! Có pháp trong sạch và báo ứng trong sạch; có pháp thanh tịnh và quả thanh tịnh, giống như nhẹ nhàng thì sẽ bay lên. Nếu ai đã thành tựu những pháp trong sạch này rồi thì dù cho sáng sớm thức dậy lấy tay sờ đất và nói rằng: “Đất này thanh tịnh ta cũng thanh tịnh” thì vị ấy cũng được thanh tịnh; hoặc giả vị ấy không chạm vào thì vẫn được thanh tịnh. Người này cầm miếng phân bò hoặc cầm nắm cỏ tươi thì vẫn thanh tịnh; do nhân thanh tịnh nên quả thanh tịnh, cho nên dù có cầm hay không cầm miếng phân bò cũng vẫn được thanh tịnh.

Này Thuần-đà! Những gì là pháp trong sạch và báo ứng trong sạch... (cho đến) cầm nắm hay không cầm nắm cũng được thanh tịnh?

Nghĩa là có người không sát sanh, từ bỏ sát sanh, từ bỏ dao gậy, tự biết hổ thẹn, thương xót nghĩ đến tất cả chúng sanh.

Không trộm cướp, từ bỏ trộm cướp, đồ vật được cho thì lấy, nếu chưa được cho thì không lấy, giữ tâm trong sạch không tham lam.

Xa lìa tà dâm, hoặc đối với người được cha mẹ bảo hộ... (cho đến) người đã được dạm hỏi đều không khởi tâm cưỡng bức, tà dâm.

Từ bỏ nói dối, lời nói thành thật, đúng đắn. Xa lìa nói hai chiều, không đem chuyện người này để nói với người kia, đem chuyện người kia nói với người này, chia rẽ lẫn nhau; thấy người bị ly gián thì khiến cho hòa hợp, thấy người hòa hợp thì sanh tùy hỷ.

Xa lìa ác khẩu, không nói lời thô ác; nói lời khiến nhiều người ưa thích. Tránh nói lời thô tục; lời nói chân thật, lời nói đúng lúc, lời nói đúng sự thật, lời nói có ý nghĩa, lời nói có vị pháp, lời nói có chánh kiến.

Dứt bỏ tham dục, đối với vật của người khác, vật dụng của người khác thì không khởi niệm tưởng mà sanh tham đắm.

Từ bỏ sân hận, không khởi nghĩ đến việc đánh đập, bắt trói, giết hại và gây tạo các khổ nạn. Thành tựu chánh kiến, không khởi nhận thức điên đảo, tin rằng có bố thí, có quả báo, có phước, có quả báo thiện hạnh và ác hạnh, có đời này, có cha mẹ, có chúng sanh hóa sanh, thế gian có bậc A-la-hán trong hiện đời hoặc đời khác tự thân tác chứng và tự nhận biết ngay trong hiện tại rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Này Thuần-đà! Đây gọi là pháp thanh tịnh, báo ứng thanh tịnh... (cho đến) dù có chạm vào hay không chạm vào thì đều được thanh tịnh.

Bấy giờ, trưởng giả Thuần-đà nghe Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ đức Phật rồi rời đi.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1039. 0271b01). Tham chiếu: A. 10.176 - V. 263.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.