Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 37
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ bên hồ Kiệt-già,55 thuộc nước Chiêm-bà.
Lúc này, có trưởng giả Ma-na-đề-na[2] bị bệnh nặng vừa mới thuyên giảm.
Bấy giờ, trưởng giả này nói với một người nhà:
_ Này thiện nam! Ông hãy đến chỗ Tôn giả A-na-luật, thay tôi đảnh lễ và hỏi thăm Tôn giả sống có nhẹ nhàng và an lạc không, nhân đó kính thỉnh bốn vị Tăng nhận lời thỉnh thọ thực của tôi vào ngày mai. Nếu Tôn giả ấy nhận lời thì ông hãy thay tôi mà tác bạch rằng: “Chúng con là người thế tục, bận nhiều công việc vương gia, không thể đích thân đến đón nên xin Tôn giả thương xót, đúng giờ hãy hoan hỷ cùng bốn vị Tăng đến thọ thực theo lời mời của con.”
Người thiện nam kia vâng lời trưởng giả, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, đảnh lễ sát chân và bạch với Tôn giả:
_ Trưởng giả Ma-na-đề-na chuyển lời kính lễ vấn an đến Tôn giả rằng, thầy có mạnh khỏe và sống có nhẹ nhàng an lạc không. Kính thỉnh Tôn giả và bốn vị Tăng ngày mai đến nhà trưởng giả Ma-na-đề-na thọ thực, xin từ bi hứa khả.
Lúc này, Tôn giả A-na-luật im lặng nhận lời.
Bấy giờ, người thiện nam kia lại vì trưởng giả mà thưa với Tôn giả A-na-luật:
_ Trưởng giả của con là người thế tục, bận nhiều công việc vương gia, không thể đích thân đến đón nên xin Tôn giả thương xót, hoan hỷ cùng bốn vị Tăng nhận lời mời thọ thực vào trưa mai của trưởng giả.
Tôn giả A-na-luật nói:
_ Ông hãy yên tâm, tôi tự biết thời! Ngày mai, tôi sẽ cùng bốn vị đến nhà trưởng giả.
Khi ấy, thiện nam này theo lời dạy của Tôn giả A-na-luật, trở về báo tin cho trưởng giả:
_ Thưa A-lê![3] Tôi đã đến chỗ Tôn giả A-na-luật và trình bày đầy đủ ý của ông. Tôn giả A-na-luật đáp rằng: “Ông hãy yên tâm, tôi tự biết thời!”
Tối hôm đó, trưởng giả Ma-na-đề-na chuẩn bị nhiều thức ăn thức uống thơm ngon, tinh khiết. Sáng sớm hôm sau, ông lại bảo người thiện nam kia: Ông hãy đến chỗ Tôn giả A-na-luật và thưa rằng: “Đã đúng thời!”
Người kia vâng lời, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, đảnh lễ sát chân và bạch rằng:
_ Ngọ trai đã bày biện đầy đủ, xin Tôn giả biết thời!
Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật đắp y, ôm bát, cùng với bốn vị Tỳ-kheo cùng đến nhà trưởng giả. Lúc ấy, các thể nữ đang đứng hầu xung quanh trưởng giả Ma-na-đề-na ở hướng bên trái cửa nhà, nhìn thấy Tôn giả A-na-luật, họ đều cùng nhau đảnh lễ sát chân, rồi thỉnh Tôn giả vào tòa ngồi. Mỗi người đều tự cúi đầu thăm hỏi rồi ngồi sang một bên.
Tôn giả A-na-luật chào hỏi trưởng giả:
_ Trưởng giả sống có dễ chịu và an lạc không?
Trưởng giả đáp:
_ Vâng, thưa Tôn giả! Con sống cũng dễ chịu và an lạc. Trước đây con bị bệnh rất nguy kịch nhưng hôm nay đã thuyên giảm.
Tôn giả A-na-luật hỏi trưởng giả:
_ Trưởng giả trụ tâm thế nào mà có thể khiến cho bệnh đau, khổ não bớt dần vậy?
Trưởng giả bạch:
_ Thưa Tôn giả A-na-luật! Con nhờ trụ vào bốn niệm xứ, chuyên tu buộc niệm, cho nên mọi tật bệnh, khổ đau nơi thân đều dứt. Bốn pháp ấy là gì? Đó là sống chánh niệm quán thân trên nội thân, tinh cần nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, nhiếp phục tham ưu ở đời; sống chánh niệm quán thân trên ngoại thân, quán thân trên cả nội thân và ngoại thân; quán thọ trên nội thọ, ngoại thọ, nội và ngoại thọ; quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm, nội và ngoại tâm; sống chánh niệm quán pháp trên nội pháp, ngoại pháp, nội và ngoại pháp, tinh cần nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, thưa Tôn giả A-naluật! Con nhờ buộc tâm an trụ nơi bốn niệm xứ, nên mọi tật bệnh, khổ đau nơi thân đều không còn. Thưa Tôn giả A-na-luật! Nhờ trụ tâm như thế, cho nên mọi tật bệnh, khổ đau nơi thân con đều không còn.
Tôn giả A-na-luật nói với trưởng giả:
_ Hôm nay trưởng giả tự mình tuyên bố là đã [chứng đắc] quả vị A-na-hàm.
Khi ấy, trưởng giả Ma-na-đề-na bày biện nhiều món ăn thơm ngon, tinh khiết rồi tự tay dâng lên cúng dường đầy đủ. Sau khi các Tỳ-kheo thọ thực và rửa tay xong, trưởng giả Ma-na-đề-na chọn một chỗ ngồi thấp và lắng nghe pháp. Tôn giả A-na-luật vì trưởng giả mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ,[4] rồi Tôn giả đứng dậy ra về.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1038. 0270c15). Tham chiếu: S. 47.30 - V. 178. 55 Kiệt-già (竭伽, Gaggarā): Hồ sen ở thành Chiêm-bà do Hoàng hậu Gaggarā xây dựng nên lấy đó để gọi tên.
[2] Ma-na-đề-na (摩那提那, Mānadinna).
[3] A-lê (阿梨, Ayyo), xưng hô của người dưới đối với bậc bề trên, có nghĩa là ông, ngài, bậc cao quý.
[4] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.