Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 37
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Lúc ấy, có đồng tử Trường Thọ[2] là cháu của trưởng giả Thọ Đề, đang bị bệnh rất nặng.
Bấy giờ, nghe tin đồng tử Trường Thọ đang bị bệnh nặng, Thế Tôn sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Vương Xá khất thực rồi tuần tự đi đến nhà đồng tử Trường Thọ. Từ xa trông thấy Thế Tôn, đồng tử Trường Thọ liền vịn giường định gượng ngồi dậy... (cho đến nói về ba thọ, tương tự như trong Kinh Tỳkheo Sai-ma[3] ở trước đã nói đầy đủ, cho đến) bệnh khổ tăng thêm chứ không thuyên giảm.
_ Thế nên, đồng tử! Ông nên học tập như vầy: Đối với Phật nên thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển;[4] đối với Pháp, đối với Tăng cũng thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, và thành tựu Thánh giới.
Đồng tử bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Bốn niềm tin thanh tịnh không lay chuyển mà Thế Tôn nói, nay con đều có đủ. Con luôn có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Phật; đối với Pháp, đối với Tăng cũng thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, và thành tựu Thánh giới.
Phật bảo đồng tử:
_ Ông nên nương theo bốn niềm tin thanh tịnh không lay chuyển để tu tập và quán tưởng thêm về sáu minh phần.[5] Quán tưởng về sáu minh phần là những gì? Nghĩa là quán tưởng tất cả các pháp là vô thường, quán tưởng vô thường là khổ, quán tưởng khổ là vô ngã, quán tưởng về thức ăn,[6] quán tưởng tất cả thế gian không có gì đáng vui và quán tưởng sự chết.
Đồng tử bạch Phật:
_ Như Thế Tôn nói, nương theo bốn niềm tin thanh tịnh không lay chuyển rồi tu tập, quán tưởng thêm về sáu minh phần, hiện tại con đều có đủ. Nhưng con tự nghĩ, sau khi con qua đời, không biết ông nội của con là trưởng giả Thọ Đề sẽ ra sao?
Khi đó, trưởng giả Thọ Đề nói với đồng tử Trường Thọ:
_ Cháu chớ lo nghĩ cho ông! Hiện tại, cháu nên lắng nghe Thế Tôn nói pháp, tư duy ghi nhớ để được phước lợi, an lạc và lợi ích dài lâu.
Đồng tử Trường Thọ nói:
_ Con sẽ quán tưởng tất cả các pháp là vô thường, quán tưởng vô thường là khổ, quán tưởng khổ là vô ngã, quán tưởng về thức ăn, quán tưởng tất cả thế gian không có gì đáng vui, quán tưởng về sự chết, luôn an trú trong hiện tại.
Phật nói với đồng tử:
_ Hôm nay, con đã tự mình tuyên bố là đã [chứng đắc] quả vị Tư-đà-hàm.
Đồng tử Trường Thọ bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Kính thỉnh Ngài thọ thực tại nhà con.
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Trường Thọ liền bảo người nhà bày biện nhiều món ăn thơm ngon, tinh khiết để cúng dường đức Phật. Thọ trai xong, Thế Tôn lại vì Trường Thọ mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ[7] rồi Ngài đứng dậy ra về.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1034. 0270a18). Tham chiếu: S. 55.3 - V. 344.
[2] Nguyên tác: Trường Thọ đồng tử (長壽童子, Dīghāvu upasaka): Ưu-bà-tắc Trường Thọ.
[3] Xem Tạp. 雜 (T.02. 0099.103. 0029c06).
[4] Bất hoại tịnh (不壞淨, aveccappasāda). Xem chú thích 10, kinh số 344, quyển 14, tr. 397; Tạp. 雜 (T.02. 0099.344. 0094b02).
[5] Lục minh phần tưởng (六明分想, cha vijjā bhāgiyādhammā): Có 6 pháp nếu quán sát, tư duy sẽ dẫn đến trí tuệ.
[6] Quán thực tưởng (觀食想). Theo Tạp. 雜 (T.02. 0099.373. 0102b28), đó chính là quán xả bỏ, như chuyện ăn thịt đứa con. Tham chiếu: S. 12.63 - II. 97.
[7] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.