Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 37

1023. TÔN GIẢ PHẢ-CẦU-NA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có Tôn giả Phả-cầu-na[2] bị bệnh rất nguy kịch, đang nằm trong giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên.[3]

Tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi đứng qua một bên và bạch:

_ Kính bạch Thế Tôn! Tôn giả Phả-cầu-na bị bệnh rất nguy kịch, đang nằm trong giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên. Với bệnh tình như vậy thì Tỳkheo ấy có thể sẽ qua đời. Lành thay, thưa Thế Tôn! Xin Ngài thương xót Tôn giả Phả-cầu-na mà đến giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Sau thời tọa thiền buổi chiều, Thế Tôn đi đến giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên rồi vào phòng Tôn giả Phả-cầu-na trải tòa ngồi. Phật vì Tôn giả Phả-cầu-na mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ.[4] Sau khi đã thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho Tôn giả hoan hỷ rồi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy trở về trụ xứ. Sau khi Thế Tôn rời đi được một lúc thì Tôn giả Phả-cầu-na viên tịch. Lúc viên tịch, các căn của Tôn giả an lạc, dung mạo thanh thoát, màu da sáng nhuận.

Tôn giả A-nan sau khi cúng dường Xá-lợi của Tôn giả Phả-cầu-na xong, trở về chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi đứng qua một bên và thưa:

_ Kính bạch Thế Tôn! Sau khi Thế Tôn đến thăm thì không lâu sau Tôn giả Phả-cầu-na viên tịch. Lúc sắp viên tịch, các căn của thầy ấy an lạc, dung mạo thanh thoát, màu da sáng nhuận. Kính bạch Thế Tôn! Không biết Tôn giả ấy sẽ sanh về đâu, thọ sanh thế nào, đời sau ra sao?

Phật nói với Tôn giả A-nan:

_ Nếu có Tỳ-kheo nào trước khi bị bệnh vẫn chưa đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, đến khi phát bệnh, thân thể đau đớn, tâm không an ổn, sự sống mong manh mà được nghe Phật khai thị, giáo giới, chỉ bày Diệu pháp thì sau khi nghe pháp xong, Tỳ-kheo ấy sẽ đoạn dứt năm hạ phần kiết sử. Này A-nan! Đây là phước lợi nhận được từ sự dạy dỗ, nhắc nhở của Đại sư.

Nếu có Tỳ-kheo nào trước khi bệnh vẫn chưa đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, đến khi phát bệnh, thân thể đau đớn, tâm không an ổn, sự sống mong manh mà không được nghe Phật khai thị, giáo giới, chỉ bày Diệu pháp, nhưng lại gặp được các vị Đại đức đa văn Phạm hạnh khai thị, giáo giới, chỉ bày Diệu pháp thì sau khi được nghe pháp xong, Tỳ-kheo ấy sẽ đoạn được năm hạ phần kiết sử. Này A-nan! Đây gọi là phước lợi nhận được từ sự khai thị, giáo giới, nghe pháp.

Lại nữa, A-nan! Nếu có Tỳ-kheo nào trước khi bệnh vẫn chưa đoạn trừ năm hạ phần kiết sử... (cho đến) sự sống mong manh, nhưng không được nghe đức Phật khai thị, giáo giới, chỉ bày Diệu pháp, lại cũng không được nghe các vị Đại đức đa văn Phạm hạnh khai thị, giáo giới, chỉ bày Diệu pháp, nhưng từ trước vị này đã lãnh thọ Chánh pháp, thường một mình ở nơi yên vắng tư duy, quán sát thì vị ấy cũng đoạn được năm hạ phần kiết sử. Này A-nan! Đây gọi là được phước lợi từ sự tư duy, quán sát Chánh pháp đã nghe từ trước.

Lại nữa, A-nan! Nếu có Tỳ-kheo nào trước khi bệnh đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nhưng chưa đoạn tận mọi khát ái để đạt được giải thoát,[5] dù các lậu không còn sanh khởi nhưng tâm chưa giải thoát hoàn toàn; sau đó lâm bệnh, thân thể đau đớn, sự sống mong manh, nhưng lại được nghe Phật chỉ dạy, giáo giới, thuyết pháp thì vị ấy sẽ đoạn tận mọi khát ái và được giải thoát, các lậu không sanh khởi, lìa dục, được giải thoát. Này A-nan! Đây gọi là được phước lợi từ sự thuyết pháp của Đại sư.

Lại nữa, A-nan! Nếu có Tỳ-kheo nào trước khi bệnh đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nhưng chưa đoạn tận mọi khát ái để đạt được giải thoát, các lậu không còn sanh khởi [nhưng chưa] lìa dục để được giải thoát; biết thân bị bệnh, đau đớn khổ sở vô cùng, tuy không được Phật chỉ dạy, giáo giới, thuyết pháp, nhưng lại được các vị Đại đức đa văn Phạm hạnh chỉ dạy, giáo giới, thuyết pháp thì vị ấy sẽ đoạn tận mọi khát ái và được giải thoát, các lậu không sanh khởi, lìa dục, được giải thoát. Này A-nan! Đây gọi là được phước lợi từ sự chỉ dạy, giáo giới, thuyết pháp.

Lại nữa, A-nan! Nếu có Tỳ-kheo nào trước khi bệnh đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nhưng chưa đoạn tận mọi khát ái để đạt được giải thoát, các lậu không còn sanh khởi [nhưng chưa] lìa dục để được giải thoát; khi thân lâm bệnh, đau đớn khổ sở vô cùng, tuy không được đức Phật chỉ dạy, giáo giới, thuyết pháp, cũng không được các vị Đại đức đa văn Phạm hạnh chỉ dạy, giáo giới, thuyết pháp, tuy nhiên vị ấy từ trước đã được nghe pháp, thường một mình ở nơi yên vắng tư duy thiền định, quán sát thì vị ấy cũng sẽ đoạn tận mọi khát ái và được giải thoát, các lậu không sanh khởi, lìa dục, được giải thoát. Này A-nan! Đây gọi là được phước lợi từ sự tư duy và quán sát giáo pháp đã lắng nghe từ trước.

Do duyên gì mà Tỳ-kheo Phả-cầu-na không có được các căn an lạc, dung mạo thanh thoát, màu da sáng nhuận? Bởi vì Tỳ-kheo Phả-cầu-na trước khi lâm bệnh vẫn chưa đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nhưng khi [vị ấy lâm bệnh,] đích thân được nghe Phật chỉ dạy, giáo giới và thuyết pháp, đã đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử [nên mới có được các căn an lạc, dung mạo thanh thoát, màu da sáng nhuận].

Bấy giờ, Thế Tôn còn xác chứng Tôn giả Phả-cầu-na đã đắc quả A-na-hàm.

Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy đã hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ đức Phật rồi lui ra.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1023. 0266c09). Tham chiếu: A. 6.56 - III. 379.

[2] Phả-cầu-na (叵求那, Phagguna).

[3] Đông Viên Lộc Mẫu giảng đường (東園鹿母講堂) có khi được viết là Đông Viên Lộc Tử Mẫu giảng đường (東園鹿子母講堂, Pubbārāma Migāramātu Pāsāda). Đông Viên (東園, Pubbārāma) là tên riêng của một khu vườn nằm bên ngoài cửa Đông của thành Xá-vệ (Sāvatthi); Lộc Mẫu giảng đường (鹿母講堂, Migāramātu pāsāda) là giảng đường được thiện nữ Tỳ-xá-khư (Visākhā) xây dựng cúng dường cho chư Tăng. Theo DhA. I. 407, do vì nữ cư sĩ Tỳ-xá-khư (Visākhā) có người con tên là Migāra (鹿) nên cũng được gọi là mẹ của Migāra.

[4] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Cú ngữ này trong Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0012b04) ghi là “thị, giáo, lợi, hỷ” (示, 教, 利, 喜); Thất xa kinh 七車經 (T.01. 0026.9. 0429c28) ghi là “khuyến phát, khát ngưỡng, thành tựu, hoan hỷ” (勸發, 渴仰, 成就, 歡喜), nghĩa là mở bày (示, sandasseti), dạy bảo (教, samādapeti), khích lệ (鼓勵, samuttejeti) và khiến được hoan hỷ (使歡喜, sampahaṃseti). Ngài Huyền Trang dịch cú ngữ này là “thị hiện, giáo đạo, tán lệ, khánh hỷ” (示現, 教導, 讚勵, 慶喜). Ngài Nghĩa Tịnh dịch là “khai thị, khuyến đạo, tán lệ, khánh hỷ” (開示, 勸導, 讚勵, 慶喜).

[5] Nguyên tác: Vô thượng ái tận giải thoát (無上愛盡解, taṇhāsaṅkhayavimuttā): Được giải thoát với sự đoạn tận khát ái.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.