Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trời gần về sáng, có một thiên tử tên Tất-bề-lê[2] dung sắc tuyệt đẹp đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên. Ánh sáng trên thân thiên tử chiếu sáng khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Khi ấy, vị thiên tử kia dùng kệ bạch Phật:
Chư thiên và người đời,
Đều ưa thích uống, ăn,
Người thế gian có được,
Phước lạc tự theo chăng?
Khi ấy, Thế Tôn nói kệ đáp:
Bố thí với lòng tin,
Đời này và đời sau,
Người ấy đến nơi nào,
Phước báo thường theo nhau.
Thế nên bỏ keo kiệt,
Hành bố thí không nhơ,
Thí rồi tâm hoan hỷ,
Hưởng đời này, đời sau.
Thiên tử Tất-bề-lê lại bạch Phật:
– Lạ thay! Bạch Thế Tôn! Khéo nói nghĩa này:
Bố thí với lòng tin,
Đời này và đời sau,
Người ấy đến nơi nào,
Phước báo thường theo nhau
Thế nên bỏ keo kiệt,
Hành bố thí không nhơ,
Thí rồi tâm hoan hỷ,
Hưởng đời này, đời sau.
Thiên tử Tất-bề-lê bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, con tự biết thời quá khứ đã từng làm quốc vương tên Tất-bề-lê, bố thí, làm phước cho dân chúng khắp bốn cửa thành. Trong thành đó lại có bốn giao lộ, con cũng bố thí làm phước cho mọi người ở nơi đó.
Lúc ấy, đệ nhất phu nhân đến nói với con: “Đại vương làm phước đức lớn mà thiếp không có công sức gì để tạo các phước nghiệp.”
Khi đó, con nói với phu nhân: “Việc bố thí, làm phước ngoài cửa thành phía Đông, nay giao cho nàng.”
Các vương tử cũng đến tâu với con: “Đại vương làm nhiều việc công đức, phu nhân cũng thế, vậy mà chúng con không có công sức gì để tạo các phước nghiệp. Nay chúng con xin được nương vào Đại vương làm công đức.”
Khi đó, con đáp: “Việc bố thí, làm phước ngoài cửa thành phía Nam, nay đều giao cho các con.”
Bấy giờ, có quan đại thần lại đến tâu với con: “Đại vương và phu nhân, cùng vương tử làm nhiều việc công đức. Còn hạ thần không có công sức gì tu tạo các phước nghiệp, nay xin nương vào Đại vương để làm chút công đức.”
Khi đó, con bảo: “Việc bố thí, làm phước ngoài cửa thành phía Tây, nay trẫm giao cho khanh.”
Bấy giờ, các tướng sĩ lại đến tâu với con: “Ngày nay, Đại vương làm nhiều công đức, phu nhân, vương tử và các đại thần đều được làm, chỉ có chúng hạ thần không có công sức gì tu tạo phước nghiệp, xin nương vào Đại vương để làm chút công đức!”
Khi đó, con đáp: “Việc bố thí, làm phước ngoài cửa thành phía Bắc, nay giao cho các ông.”
Bấy giờ, thứ dân trong nước lại đến tâu với con: “Ngày nay, Đại vương làm nhiều công đức, phu nhân, vương tử, đại thần, các tướng sĩ đều cùng làm. Chỉ có chúng thần không có công sức gì để tu phước, xin nương vào ân đức Đại vương để làm chút công đức.”
Khi đó, con đáp: “Việc bố thí, làm phước ở đầu bốn giao lộ trong thành, nay đều giao cho các người.”
Bấy giờ, vua, phu nhân, vương tử, đại thần, tướng sĩ, thứ dân, mọi người đều bố thí, làm các công đức. Do đó mà việc bố thí tạo công đức trước đây của con bị gián đoạn. Khi đó, những người được con phân chia làm phước đều trở về cung thi lễ và tâu con rằng: “Đại vương nên biết, phu nhân, vương tử, đại thần, tướng sĩ, thứ dân, mỗi người đều y cứ vào chỗ của mình mà bố thí làm phước nên sự bố thí của Đại vương do đó mà bị gián đoạn.”
Bấy giờ, con liền nói: “Này thiện nam! Các nước láng giềng hằng năm đều cống nạp tài vật cho ta. Nay chỉ lấy phân nửa nhập kho, còn phân nửa để lại cho các nước ấy bố thí làm phước.”
Người kia vâng theo lệnh vua, đến nước lân cận, gom góp tài vật, phân nửa đưa vào kho, phân nửa để lại cho nước đó bố thí làm phước.
Trước kia, con chuyên bố thí làm phước như vậy nên luôn luôn được phước báo đáng yêu, đáng nhớ, vừa ý, thường hưởng được hỷ lạc không cùng tận. Do phước nghiệp này cùng với phước quả phước báo, tất cả đều dồn vào nhóm công đức lớn. Ví như năm con sông lớn hợp thành một dòng, đó là sông Hằng,[3] sông Da-bồ-na,[4] sông Tát-la-do,[5] sông Y-la-bạt-đề,[6] sông Ma-hê.[7] Năm con sông này hợp thành một dòng thì không ai có thể đo lường số lượng trăm, ngàn, vạn, ức đấu hộc nước sông kia. Nước của con sông lớn này tạo thành một khối lượng nước rất lớn. Phước báo công đức mà con đã làm cũng như vậy, không thể đo lường, tất cả đều nhập vào nhóm công đức lớn.
Thiên tử Tất-bề-lê nghe lời Phật dạy đã hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ sát chân Phật rồi biến mất.
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.999. 0261c05). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.136. 0426c14); S. 1.43 - I. 32; S. 2.23 - I. 57.
[2] Tất-bề-lê (悉鞞梨, Serī).
[3] Hằng hà (恒河, Gaṅgā).
[4] Da-bồ-na (耶蒲那, Yamunā).
[5] Tát-la-do (薩羅由, Sarabhū).
[6] Y-la-bạt-đề (伊羅跋提, Aciravatī).
[7] Ma-hê (摩醯, Mahī).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.