Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trời gần về sáng, có một thiên tử dung sắc tuyệt đẹp đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Ánh sáng trên thân thiên tử chiếu sáng khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Khi ấy, vị thiên tử kia dùng kệ hỏi Phật:
Pháp gì nguồn[2] của kệ?
Kệ lấy gì trang nghiêm?
Kệ phải nương vào đâu?
Lấy gì làm bản thể?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Nguồn kệ luật thi ca,[3]
Trang nghiêm bằng từ ngữ,
Tên gọi là chỗ nương,
Thi nhân là bản thể.
Lúc ấy, thiên tử lại nói kệ:
Từ lâu vốn biết Phật,
Đã được Bát-niết-bàn,
Mọi sợ hãi không còn,
Dứt ân ái thế gian.
Bấy giờ, thiên tử ấy nghe đức Phật dạy xong đã hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ sát chân Phật rồi biến mất.
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1021. 0266b02). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.248. 0461b07); S. 1.60 - I. 38.
[2] Nguyên tác: Nhân (因). S. 1.60 - I. 38: Nidāna (nguồn cội, căn nguyên).
[3] Nguyên tác: Dục (欲). S. 1.60 - I. 38: Chanda. Chanda vừa có nghĩa là dục vừa có nghĩa là luật lệ vần điệu (韻律). Theo ngữ cảnh của bài kinh, “dục” (欲) mang nghĩa thứ hai.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.