Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Bà-kỳ-xá lâm bệnh nặng và đang nằm tại giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên,[2] thuộc nước Xá-vệ. Tôn giả Phú-lân-ni là người chăm sóc, cung cấp cúng dường.
Khi ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá nói với Tôn giả Phú-lân-ni:
_ Thầy hãy đến chỗ Thế Tôn, chuyển lời tôi bạch với Thế Tôn rằng: “Tôn giả Bà-kỳ-xá cúi lạy sát chân Thế Tôn, kính thăm hỏi Thế Tôn ít bệnh, ít não, đời sống nhẹ nhàng, an vui chăng?” Rồi thầy hãy thưa tiếp: “Tôn giả Bà-kỳxá lâm bệnh nặng và đang nằm tại giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên, rất muốn được gặp Thế Tôn, nhưng không đủ sức để đến chỗ Phật. Lành thay, bạch Thế Tôn! Xin Ngài mở lòng thương xót đến chỗ của Bà-kỳ-xá tại giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên.”
Lúc ấy, Tôn giả Phú-lân-ni nhận lời đi đến Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên và thưa:
_ Kính bạch Thế Tôn! Tôn giả Bà-kỳ-xá lâm bệnh nặng và đang nằm tại giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên, rất muốn được gặp Thế Tôn, nhưng không đủ sức để đến gặp Ngài. Lành thay, bạch Thế Tôn! Xin Ngài thương xót đến chỗ Tôn giả Bà-kỳ-xá đang nằm tại giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên.
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Tôn giả Phú-lân-ni biết Phật đã nhận lời, liền cung kính đảnh lễ sát chân Phật rồi ra về.
Chiều hôm ấy, sau khi xuất thiền thì Thế Tôn đi đến chỗ Tôn giả Bà-kỳ-xá. Từ xa trông thấy Thế Tôn đi đến, Tôn giả Bà-kỳ-xá liền vịn giường muốn đứng dậy. Thấy Tôn giả Bà-kỳ-xá tựa giường muốn đứng dậy, Thế Tôn liền bảo:
_ Bà-kỳ-xá! Thầy không cần phải đứng lên.
Nói rồi, Thế Tôn liền ngồi xuống ân cần thăm hỏi Tôn giả Bà-kỳ-xá:
_ Bệnh tình của thầy có thuyên giảm, dễ chịu hơn không? Sự đau đớn nơi thân không tăng thêm chứ? (Nói đầy đủ như Kinh Tỳ-kheo Diệm-ma-ca[3] ở trước... cho đến) “Con cảm thấy bệnh tình càng tăng thêm chứ không thuyên giảm.” Phật bảo Bà-kỳ-xá:
_ Bây giờ, Ta hỏi và thầy cứ trả lời theo ý mình. Có phải tâm thầy đã không còn đắm nhiễm, không còn chấp trước, không dính mắc, đạt được giải thoát, lìa các điên đảo rồi chăng?
Bà-kỳ-xá bạch Phật:
_ Bạch Thế Tôn! Tâm con không còn đắm nhiễm, không còn chấp trước, không còn dính mắc, đã được giải thoát, lìa các điên đảo.
Phật bảo Bà-kỳ-xá:
_ Thầy làm thế nào mà đạt được tâm không đắm nhiễm, không chấp trước, không dính mắc, thành tựu giải thoát, lìa các điên đảo?
Bà-kỳ-xá bạch Phật:
_ Bạch Thế Tôn! Đối với sắc được nhận biết bởi mắt ở trong quá khứ, tâm con không nhớ nghĩ; đối với sắc ở tương lai, tâm con không mơ tưởng; đối với sắc trong hiện tại, con cũng không đắm nhiễm. Đối với sắc được nhận biết bởi mắt trong quá khứ, trong tương lai hay trong hiện tại, con đã dứt sạch niệm tham dục, ưa thích; đã vô dục, tịch diệt, vắng lặng, ngưng nghỉ, viễn ly, giải thoát. Do tâm đã giải thoát nên không đắm nhiễm, không chấp trước, không dính mắc, lìa các điên đảo rồi an trụ chánh định. Cũng vậy, với tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức nhận biết các pháp quá khứ, tâm con không còn nhớ nghĩ; đối với pháp ở tương lai, tâm không còn mơ tưởng; đối với pháp hiện tại cũng không đắm trước. Đối với các pháp trong quá khứ, tương lai hay hiện tại thì niệm tham dục, niệm ưa thích trong con đã được đoạn tận; đã vô dục, tịch diệt, vắng lặng, ngưng nghỉ, viễn ly, giải thoát. Do tâm đã giải thoát nên không đắm nhiễm, không chấp trước, không dính mắc, lìa các điên đảo rồi an trụ chánh định. Hôm nay, cúi xin Thế Tôn ban cho con điều lợi ích tối hậu và cho phép con được nói kệ.
Phật bảo Bà-kỳ-xá:
_ Nên biết đúng lúc!
Tôn giả Bà-kỳ-xá liền ngồi ngay thẳng, buộc niệm ở trước mặt và nói kệ:
Trước Đại Giác, Thế Tôn,
Con cúi đầu kính lạy,
Đối với tất cả pháp,
Đều được giải thoát rồi.
Khéo hiểu tướng các pháp,
Tin sâu, vui Chánh pháp,
Thế Tôn, Đẳng Chánh Giác,
Thế Tôn là Đại sư,
Thế Tôn hàng ma oán,
Thế Tôn, Đại Mâu-ni.
Diệt trừ mọi kiết sử,
Tự độ khắp muôn loài,
Thế Tôn đối thế gian,
Biết rõ tất cả pháp,
Thế gian trọn chẳng có,
Người biết pháp hơn Phật.
Trong các cõi trời, người,
Cũng không ai bằng Phật,
Vì thế hôm nay con,
Lễ đấng Đại Tinh Tấn.
Cúi lạy bậc Thượng Sĩ,
Đã nhổ gai ái dục,
Giờ phút cuối của con,
Được nhìn thấy Thế Tôn.
Cúi lạy đấng Nhật Chủng,[4]
Đêm nay Bát-niết-bàn,
Tỉnh giác cùng chánh niệm,
Nơi thân hư hoại này.
Chút khí lực còn lại,
Đêm nay sẽ diệt hết,
Không còn đắm ba cõi,
Vào Vô dư Niết-bàn.
Thọ khổ và thọ lạc,
Cũng không khổ không lạc,
Xúc làm nhân duyên sanh,
Hôm nay đều đoạn tận.
Thọ khổ và thọ lạc,
Cũng không khổ không lạc,
Từ xúc làm duyên sanh,
Ngay đây đều biết rõ.
Nội căn và ngoại cảnh,
Các cảm thọ khổ, vui,
Không đắm trước nơi thọ,
Tâm sáng ngời chánh trí.
Ban đầu, giữa, sau cùng,
Các uẩn không chướng ngại,
Các uẩn đã đoạn rồi,
Biết rõ ái không còn.
Bậc thấy rõ chân thật,
Nói chín mươi mốt kiếp
Trong ba kiếp thường có,
Đại Tiên Nhân xuất hiện.
Ngoài ra không chỗ nương,
Chỉ có kiếp khủng bố,
Nên biết Đại Tiên Nhân,
Lại xuất hiện nơi đời.
An ủi các trời, người,
Khai tuệ lìa u tối,
Thức tỉnh các chúng sanh,
Thấu rõ tất cả khổ.
Khổ khổ và khổ tập,
Tịch diệt, vượt thoát khổ,
Tám chi phần Thánh đạo,
An ổn đến Niết-bàn.
Điều thế gian khó được,
Hiện nay thảy đều được,
Đời này được thân người,
Diễn nói về Chánh pháp.
Theo mong muốn của mình,
Lìa cấu, cầu thanh tịnh,
Chuyên tu tự lợi mình,
Chớ khiến không kết quả.
Luống qua sẽ sanh lo,
Cận kề địa ngục khổ,
Chánh pháp được nói ra,
Không ưa, không tiếp nhận.
Mãi chìm trong sanh tử,
Luân hồi không kỳ hạn,
Đêm dài ôm lo, buồn,
Như người buôn mất của.
Nay con rất vui mừng,
Không còn sanh, già, chết,
Đã chấm dứt luân hồi,
Không tái sanh trở lại.
Dòng nước sông ái, thức,
Từ nay đều cạn khô,
Nhổ sạch cội rễ uẩn,
Khoen xích không tiếp nối.
Cúng dường Đại sư xong,
Việc cần làm hoàn tất,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Hữu lưu đều đoạn xong.
Không còn thích thọ sanh,
Cũng không chán ghét tử,
Tỉnh giác cùng chánh niệm,
Chỉ chờ phút cuối cùng.
Long tượng nhớ rừng hoang,
Sáu mươi thú hùng mạnh,
Một khi thoát gông cùm,
Ung dung trong rừng núi.
Bà-kỳ-xá cũng vậy,
Con từ miệng Phật sanh,
An tâm rời đồ chúng,
Chánh niệm chờ đến giờ.
Nay nói với mọi người,
Những ai đến tụ hội,
Nghe kệ cuối của tôi,
Nghĩa này nhiều lợi ích.
Có sanh ắt phải diệt,
Các hành đều vô thường,
Pháp chóng sanh, chóng tử,
Nào đáng nương cậy lâu?
Thế nên lập chí mạnh,
Siêng năng cầu tinh tấn,
Quán sát có sợ hãi,
Tùy thuận đạo Mâu-ni,
Chóng dứt khổ ấm này,
Đừng để luân chuyển thêm.
Con từ miệng Phật sanh,
Nói kệ khen ngợi rồi,
Xin từ biệt đại chúng,
Bà-kỳ-xá Niết-bàn,
Vì tấm lòng từ bi,
Nói kệ vô thượng này.
Tôn giả Bà-kỳ-xá,
Từ pháp Phật sanh ra,
Do rủ lòng bi mẫn,
Nói kệ vô thượng này,
Sau đó Bát-niết-bàn,
Tất cả nên kính lễ.
***
Chú Thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.994. 0259c06). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.257. 0463b27).
[2] Đông Viên Lộc Tử Mẫu giảng đường (東園鹿子母講堂). Xem chú thích 121, kinh số 58, quyển 2, tr. 62; Tạp. 雜 (T.02. 0099.58. 0014b12).
[3] Diệm-ma-ca Tu-đa-la (燄摩迦修多羅), kinh số 104, Tạp. 雜 (T.02. 0099.104. 0030c12). Khảo về nội dung không có chi tiết liên quan đến bệnh tật, có khả năng xác định nhầm. Căn cứ vào nội dung kinh, tức chỉ cho kinh số 103; Tạp. 雜 (T.02. 0099.103. 0029c06)
[4] Nhật Chủng (日種, Ādiccabandhu) chỉ cho Thế Tôn. Xem chú thích 5, kinh số 993, quyển 36, tr. 1087; Tạp. 雜 (T.02. 0099.993. 0259a05).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.