Viện Nghiên Cứu Phật Học
QUYỂN 36

1008. ĐIỀU GÌ LÀ BẬC NHẤT?[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trời gần về sáng, có một thiên tử dung sắc tuyệt đẹp đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Ánh sáng trên thân thiên tử chiếu sáng khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Khi ấy, vị thiên tử kia nói kệ:

Những loài từ đất sanh,
Loài nào là tối thượng?
Rơi xuống từ không trung,
Thứ gì là quý nhất?
Trong những điều mong cầu,
Điều gì là bậc nhất?
Trong tất cả lời nói,
Lời nói nào hay nhất?

Lúc ấy, có một thiên tử đời trước là con nhà nông, nay được sanh lên cõi trời, nhưng tập khí đời trước vẫn còn, liền nói kệ đáp lại thiên tử kia:

Ngũ cốc từ đất sanh,
Là loài tối thượng nhất,
Hạt giống từ không trung,
Rơi xuống đất quý nhất.
Bò to khỏe giúp người,
Là chỗ nương tốt nhất,
Lời nói yêu thương con,
Chính là lời hay nhất.

Nghe thiên tử này nói kệ, vị thiên tử kia liền nói:

– Tôi không hỏi anh, cớ sao lại nhiều lời khinh suất xằng bậy. Tôi tự nói kệ hỏi Thế Tôn:

Những loài từ đất sanh,
Loài nào là tối thượng?
Rơi xuống từ không trung,
Thứ gì là quý nhất?
Trong những điều mong cầu,
Điều gì là bậc nhất?
Trong tất cả lời nói,
Lời nói nào hay nhất?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Từ dưới đất vọt lên,
Tam minh là tối thượng,
Từ hư không rơi xuống,
Tam minh cũng bậc nhất.
Tăng, đệ tử Thánh hiền,
Là thầy nương cao quý,
Lời dạy của Như Lai,
Là lời hay hơn hết.

Thiên tử lại nói kệ:

Thế gian mấy pháp khởi?
Mấy pháp được thuận theo?
Bao nhiêu pháp thủ ái?
Bao nhiêu pháp tổn giảm?

Thế Tôn lại nói kệ đáp:

Thế gian, sáu pháp khởi,
Sáu pháp được thuận theo,
Có sáu pháp thủ ái,
Và sáu pháp tổn giảm.[1]

Lúc ấy, thiên tử lại nói kệ:

Từ lâu vốn biết Phật,
Đã được Bát-niết-bàn,
Mọi sợ hãi không còn,
Dứt ân ái thế gian.

Bấy giờ, thiên tử kia nghe Phật dạy xong đã hoan hỷ và tùy hỷ, liền cúi lạy sát chân Ngài rồi biến mất.

Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1008. 0263c12). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.234. 0459a02); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.235. 0459a23); S. 1.70 - I. 41; S. 1.74 - I. 42. 44 Sáu pháp ở đây chỉ cho 6 nội xứ và 6 ngoại xứ.

[1] Sáu pháp ở đây chỉ cho 6 nội xứ và 6 ngoại xứ.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.