Viện Nghiên Cứu Phật Học
QUYỂN 36

1004. HỮU DƯ VÀ VÔ DƯ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trời gần về sáng, có một thiên tử dung sắc tuyệt đẹp đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Ánh sáng trên thân thiên tử chiếu sáng khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Khi ấy, vị thiên tử kia nói kệ:

Mẹ con vui với nhau,
Chủ bò thích bò mình,
Chúng sanh thích hữu dư,
Không ai thích vô dư.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ đáp:

Mẹ con lo cho nhau,
Chủ bò lo bò mình,
Hữu dư chúng sanh lo,
Vô dư thì hết lo.

Lúc ấy, thiên tử lại nói kệ:

Từ lâu vốn biết Phật,
Đã được Bát-niết-bàn,
Mọi sợ hãi không còn,
Dứt ân ái thế gian.

Bấy giờ, thiên tử kia nghe Phật dạy xong đã hoan hỷ và tùy hỷ, liền cúi lạy sát chân Ngài rồi biến mất.

 

Ghi chú:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1004. 0263a14). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.142. 0428a16); S. 1.12 - I. 6; S. 4.8 - I. 107.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.