Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 35

978. NGOẠI ĐẠO THƯƠNG CHỦ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật trú trong vườn Hảo Y Am-la, tại thôn Na-la.

Bấy giờ, ở thôn Na-la này có tu sĩ ngoại đạo tên là Thương Chủ, tuổi đã một trăm hai mươi, các căn suy yếu, được các trưởng giả, Bà-la-môn, cư sĩ thôn Na-la tôn trọng cúng dường như đối với một bậc A-la-hán.

Tu sĩ ngoại đạo Thương Chủ trước đây có một người thân, sau khi lâm chung được sanh về cõi trời. Vị trời này nhìn thấy tu sĩ ngoại đạo Thương Chủ, liền nghĩ rằng: “Ta muốn khuyên Thương Chủ đến chỗ đức Phật tu hành Phạm hạnh, nhưng e rằng ông ấy không nghe lời ta. Vậy nay ta nên đến đó dùng bài kệ[2] giúp ông ấy thỉnh vấn vậy.”

Thế rồi, vị trời liền xuống thôn Na-la, đến chỗ tu sĩ ngoại đạo Thương Chủ và nói kệ rằng:

Thế nào là bạn xấu,
Thế nào là bạn lành,
Làm sao cầu đoạn dứt?
Mà hiện tướng bạn lành?
Như mình đồng một thể?
Lìa được sự đốt thiêu?

– Thưa Tiên nhân, nếu ông đem bài kệ này thỉnh vấn các bậc thầy hiện nay, nếu ai có thể phân biệt, giảng giải ý nghĩa và đáp lại được thì ông có thể theo vị ấy xuất gia, tu hành Phạm hạnh.

Khi ấy, ngoại đạo Thương Chủ vâng theo lời vị trời, đến chỗ ngài Phú-lan- na Ca-diếp rồi đem bài kệ này ra hỏi. Ngài Phú-lan-na Ca-diếp còn không thể hiểu được, huống gì là giải đáp.

Kế đó, tu sĩ ngoại đạo Thương Chủ lại đến chỗ của các ngài Mạt-ca-lê Cù- xá-lợi tử, San-xà-da Tỳ-la-chi tử, A-kỳ-đa Chỉ-xá-khâm-bà-la, Ca-la-câu-đà Ca-chiên-diên, Ni-kiền-đà Nhã-đề tử và đem bài kệ này thỉnh vấn, nhưng các vị ấy đều không thể giải đáp được.

Khi đó, tu sĩ ngoại đạo Thương Chủ nghĩ rằng: “Ta đã đem bài kệ này thỉnh vấn các bậc thầy xuất gia danh tiếng, nhưng không ai có thể giải đáp được, nay ta có nên cầu xuất gia nữa chăng? Ta có nhiều tiền của, phải chăng nên về nhà hưởng thụ năm dục?” Rồi ông lại suy nghĩ: “Hay là ta hãy đến chỗ Sa-môn Cù- đàm? Nhưng các bậc thầy kỳ cựu, các Sa-môn, các Bà-la-môn như ngài Phú- lan-na Ca-diếp... mà còn không thể giải đáp, huống chi Sa-môn Cù-đàm tuổi trẻ xuất gia thì làm sao có thể hiểu nổi? Tuy nhiên, ta nghe bậc tiên túc nói: ‘Chớ khinh người trẻ tuổi xuất gia tân học, hoặc các Sa-môn trẻ tuổi xuất gia có oai đức lớn.’ Thôi thì nay ta thử đến chỗ Sa-môn Cù-đàm.” Sau khi đến nơi, ông đem bài kệ này mà thỉnh vấn Thế Tôn, nội dung như kệ nói ở trên.

Lúc ấy, Thế Tôn biết được tâm niệm của Thương Chủ, liền đáp kệ rằng:

Thế nào là bạn xấu,
Mà hiện tướng bạn lành? 
Trong lòng thật chán ghét,
Mà miệng nói đồng lòng,
Không vui làm việc chung,
Biết đó là bạn xấu.
Miệng nói lời thương yêu, 
Trong tâm không hẳn vậy,
Việc làm chẳng chung cùng, 
Người trí cần nhận biết, 
Đó là người bạn xấu,
Mà hiện tướng bạn lành, 
Cùng ta đồng một thể.
Thế nào là bạn lành 
Cùng ta đồng một thể?
Là không như bạn xấu,
Chẳng kềm chế, buông lung,
Ôm nghi ngờ, bại hoại,
Tìm sơ hở, duyên do.
Đâu như người bạn lành,
Vì sao cầu đoạn dứt?
Chẳng phải người xa lạ,
Nên biết, đó bạn lành.
Vì sao cầu đoạn dứt?
Mong sanh chốn an vui,
Mát mẻ, đáng ngợi khen,
Tu tập quả phước lợi,
Mãi tĩnh lặng, mát trong,
Cho nên cầu đoạn dứt.
Làm sao lìa thiêu đốt?
Mến vị thiền vắng lặng,
Biết đó vị xa lìa,
Là lìa ngọn lửa dữ,
Uống được vị pháp hỷ,
Tịch diệt, lìa lửa dục,
Đó là lìa thiêu đốt.

Bấy giờ, tu sĩ ngoại đạo Thương Chủ nghĩ thầm: “Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm niệm của mình”, thế nên ông bạch Phật rằng:

– Nay con có thể vào trong Giáo pháp và Giới luật của Sa-môn Cù-đàm tu hành Phạm hạnh, xuất gia, thọ giới Cụ túc, trở thành Tỳ-kheo chăng?

Đức Phật bảo ngoại đạo Thương Chủ:

– Nay ông được phép ở trong Giáo pháp và Giới luật tu hành Phạm hạnh, xuất gia, thọ giới Cụ túc, trở thành Tỳ-kheo.

Sau khi ngoại đạo Thương Chủ đã xuất gia rồi, tư duy... (cho đến) tâm hoàn toàn giải thoát,[3] đắc quả A-la-hán.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.978. 0253a26). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.212. 0452c17).

[2] Nguyên tác: Ý luận (意論), “ý luận kệ” (意論偈) hoặc “ý luận tâm niệm” (意論心念). Đưa ra một bài kệ để hỏi, qua đó nhằm đánh giá tư tưởng của người giải đáp.

[3] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).
 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.